Thực phẩm bẩn - mối lo không bao giờ cũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bê bối về thực phẩm đã lan từ Trung Quốc tới châu Âu rồi sang Mỹ và ngược lại khiến người tiêu dùng ngày càng bất an về những mối nguy hiểm có thể gây ra bởi những thức ăn, đồ uống thiết yếu hàng ngày.

Có lẽ Trung Quốc là nơi "nóng" nhất thế giới về vấn đề an toàn thực phẩm khi sữa nhiễm độc, rau tẩm hóa chất,... không còn là những khái niệm xa lạ đối với người dân.
 
Cuối tuần trước, thành phố Quảng Châu công bố báo cáo cho biết, trong đó có kết quả cho thấy 44,4% lượng gạo và các loại sản phẩm chế biến từ gạo có chứa chất Cadmium - 1 trong 3 kim loại gây nguy hiểm nhất cho sức khỏe con người vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
 
Trước đó, đầu tháng 5, vụ thêm một số chất phụ gia vào thịt chuột cống, thịt cáo hay chồn nhằm giả làm thịt cừu để kiếm khoản lợi nhuận lên tới 1,6 triệu USD tại Thượng Hải, Giang Tô đã khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
 
 
 
Thực phẩm bẩn - mối lo không bao giờ cũ - Ảnh 1
 
Cảnh sát Trung Quốc tiêu hủy lô sữa nhiễm độc.  Ảnh: Reuters.
 
 
 
Dù Thủ tướng Lý Khắc Cường khi nhậm chức cam kết sẽ cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm nhưng các vụ bê bối vẫn liên tiếp bị phát hiện do các chiêu trò, thủ đoạn của loại tội phạm nguy hiểm này ngày càng tinh vi hơn.
 
Không chỉ gây ra sự bất an cho người dân trong nước, mối lo về sự an toàn của thực phẩm Trung Quốc lớn đến mức nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này đã bị một số thị trường tẩy chay.
 
Thậm chí Ủy ban châu Âu (EC) còn cho trưng bày một loạt sản phẩm nguy hại của Trung Quốc ngay tại các lối đi bên trong trụ sở cơ quan này ở Brussels. Tuy nhiên, bản thân châu Âu cũng không phải là nơi người tiêu dùng có thể hoàn toàn gửi gắm niềm tin về tính an toàn tuyệt đối của thực phẩm.
 
Mới đây, tại Pháp cũng dấy lên nghi ngờ về quy trình nuôi vịt bằng kháng sinh liều cao để lấy gan béo - sản phẩm được ưa chuộng trên toàn thế giới. Bê bối rau nhiễm khuẩn, thịt giả bò, cá nhái nhãn hiệu... đã giáng một đòn mạnh vào ngành sản xuất và kinh doanh thực phẩm, vốn giúp Liên minh châu Âu (EU) thu về 750 tỷ Euro mỗi năm.
 
Để lấy lại vị thế của ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bất chấp những khó khăn về ngân sách, tuần trước, EU vẫn quyết định thông qua trọn gói đề án lập pháp nhằm tăng cường an toàn thực phẩm.
 
Ngay tại Mỹ, quốc gia nổi tiếng có hàng rào kiểm soát an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nhất thế giới, trong 2 năm qua đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm nhập khẩu như hạt thông Thổ Nhĩ Kỳ, đu đủ Mexico và dưa đỏ Guatemala.
 
Năm ngoái, gần 15.000 tấn thịt bò nhiễm độc từ Canada đã vào các siêu thị Mỹ trước khi bị phát hiện và bị chặn tại biên giới. Trong khi hồi tháng trước, dưa chuột nhiễm khuẩn salmonella từ Mexico khiến ít nhất 73 người ở 19 bang trên toàn nước Mỹ phải cấp cứu.
 
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến Mỹ phải chứng kiến ngày càng nhiều vụ bê bối thực phẩm là do tác động trực tiếp của cắt giảm ngân sách. Hiện do thiếu kinh phí nên Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) chỉ có thể kiểm tra 2,3% trong 10,4 triệu lô hàng nhập khẩu hàng năm.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần