Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm bẩn vào cả siêu thị uy tín, người tiêu dùng vào "ma trận"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Phú, thực phẩm bẩn là quốc nạn. Bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất...

Kinhtedothi - Theo ông Phú, thực phẩm bẩn là quốc nạn. Bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín, nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Thực trạng này khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.

Ông cũng cho rằng, hiện trong dư luận, đặc biệt là tại các đô thị lớn người tiêu dùng rất sợ mỗi khi nhắc đến thực phẩm bẩn. Nhiều gia đình phải mượn đất, trồng rau, thậm chí tự làm giá đỗ sạch để ăn. Dù các cơ quan khuyến cáo thực phẩm đa số là sạch nhưng ra chợ họ vẫn không yên tâm.
Ông Vũ Vinh Phú: “Thực phẩm bẩn đã len lỏi vào cả những siêu thị uy tín”. Ảnh: Chân Luận
Ông Vũ Vinh Phú: “Thực phẩm bẩn đã len lỏi vào cả những siêu thị uy tín”. Ảnh: Chân Luận
Cũng theo ông Phú, hiện nay, cơ chế xử phạt đối với doanh nghiệp, thương lái sử dụng chất cấm trong thực phẩm đã có, thậm chí rất nhiều. Tuy nhiên, thực thi chúng đang rất rối và rất nhiều cơ quan nhúng tay vào. Nếu dân ăn phải thực phẩm bẩn, có chờ được doanh nghiệp bồi thường thiệt hại không. Dân mua một miếng thịt bò bẩn về nhưng mới cắt một miếng ăn rồi đi viện, việc bắt đền doanh nghiệp, nhà cung ứng rất khó, thậm chí không thể.

Tại diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho rằng thực phẩm bẩn đang là vấn nạn.

“Chúng ta đi ra khỏi ngõ đã thấy những bà nội trợ cầm theo thuốc thử, rồi nhà nhà mua máy sục ozone. Cũng có ý kiến nói rằng truyền thông thổi phồng lên quá nhưng tôi không tán thành quan điểm này. Bản thân tôi cũng thấy lo ngại vì không biết phân biệt thực hư như thế nào”, ông Thịnh bày tỏ.

Theo ông Thịnh, cần phải nghiêm khắc với các hành vi mang tính chất cố tình, gian dối để làm ra các sản phẩm không an toàn. Chúng tôi cũng phải nói, khi chúng ta tăng xử phạt phải đi kèm với giáo dục và tuyên truyền. Đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì phải xử lý nặng. Tuy nhiên cần phải có trọng tài để phân biệt rõ ràng giữa cố tình và vô tình.