Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực phẩm sạch: Đường đi còn lắm “chông gai”!

Bình An (VPMN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước vấn nạn “thực phẩm bẩn” bủa vây.

 Do đó, “thực phẩm sạch”- cụm từ ngắn gọn nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống, sức khỏe của mỗi người…và rộng hơn là ảnh hưởng tới tương lai phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Phát biểu tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp- Người Tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh: “Hiện nay, câu chuyện thực phẩm sạch đang là vấn đề nóng bỏng đối với đời sống xã hội, để có được sản phẩm sạch việc xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sức khỏe người tiêu dùng cần có sự đồng thuận của Nhà nước, các Bộ- Ban- Ngành và cả cộng đồng. Trong đó, nhận thức của người tiêu dùng phải có sự chuyển biến để phân biệt đâu sản phẩm sạch, mua và dùng trong đời sống hàng ngày”.

Theo ông Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN& PTNT): “Người tiêu dùng phải thay đổi thói quen tiêu dùng kiểu tiện đâu mua đấy với hàng giá rẻ, nếu không thực phẩm bẩn sẽ hoành hành”.

Những thói quen trong mua- bán, ăn uống của người Việt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm phát sinh bệnh tật…như đại biểu Trần Ngọc Vinh phát biểu trước Quốc hội: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế. Hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc”.

Và cũng mỗi năm có tới 200.000 ca ung thư mới, trong số này có tới 70.000 bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh nan y này. Mỗi năm, Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có tới 90% nhập từ Trung Quốc. Nhiều loại hoá chất cấm nhưng vẫn được nhập lậu như: Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitor, Kelthan…
 Hiện nay, “thực phẩm sạch” đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng xã hội  
Những con số đó, nói lên rằng, chừng nào Người tiêu dùng Việt Nam chưa từ bỏ thói quen “tiện đâu mua đấy”, thuốc bảo vệ thực vật- chất cấm tiếp tục được nhập lậu thì con số ung thư mới và bệnh nhân “tử vong” sẽ tăng theo cấp số nhân….

Muốn có “thực phẩm sạch”, đầu tiên phải có nguyên liệu sạch, trong đó nông sản là thành phần qun trọng nhất. Để có số lượng lớn, ổn định cung cấp cho hơn 90 triệu dân Việt Nam không còn cách nào khác là phải nhanh chóng xây dựng cho được một nền nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian vừa qua, xuất phát từ tâm huyết vì “sức khỏe cộng đồng” đã có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư làm nông nghiệp, cho ra thực phẩm sạch, phục vụ người tiêu dùng. Nhưng câu chuyện buồn về con đường cho thực phẩm sạch đi và phát triển tiếp tục vẫn bị “thắt nút”, không có lời giải với rất nhiều nghịch lý.

Anh Hồ Thanh Dũng - Chủ một trang trại gà sạch ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), chia sẻ: “Hơn 10 năm trước công ty Đông Sơn hoạt động trong lĩnh vực trồng và kinh doanh rau sạch của tôi ra đời và may mắn quy tụ được cả 4 nhà: Nhà nông- Nhà khoa học- Nhà quản lý và doanh nghiệp. Nhưng để tuân thủ đúng quy trình thì sản phẩm làm ra quá đắt, chưa kể các chi phí lưu thông, phân phối, nên khó bán. Nhu cầu vốn lớn, trong khi nguồn vốn eo hẹp, vay vốn thì khó khăn, trong khi rau sạch thu hoạch không bán được, nên cuối cùng công ty phải đóng cửa”.

Anh Nguyễn Minh Hậu (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), con trai ông Sáu Ri- người cho ra đời giống sầu riêng đặc sản Ri 6 “cơm vàng hạt lép”, từ những năm cuối của thập niên 1990 đã tiên phong trồng và cho ra trái giống sầu riêng mới: Cơm vàng, khô ráo, cầm không dính tay; hạt lép, vị ngọt, mùi thơm, .chia sẻ câu chuyện cười ra nước mắt: “Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tôi phải áp dụng quy trình ngặt nghèo. Sau khi ra hoa 95 - 100 ngày mới thu hoạch, không phun thuốc trước một tháng, với quy trình này giá sầu riêng phải đắt tới 3 lần sầu riêng bình thường mới duy trì được sản xuất”.

“Thế nhưng, khi đưa ra Bắc tiêu thụ, sầu riêng của tôi chỉ được thương lái trả 20.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, nhiều siêu thị sầu riêng cũng không mặn mà với “sầu riêng ông Sáu Ri”, vì giá cao, khó bán”. Anh Hậu ngao ngán.

Qua câu chuyện của anh Dũng và anh Hậu cho thấy một nghịch lý trên thị trường nông sản thực phẩm Việt Nam, với hơn 90 triệu người tiêu dùng, sức tiêu thụ tăng trưởng bình quân 5,1%/năm, nhu cầu “thực phẩm sạch” rất cao, nhưng người làm ra “thực phẩm sạch” lại bị đi vào ngõ cụt.

Ông Cao Đức Phát, Nguyên Bộ trưởng NN& PTNT, đã từng dẫn nghiên cứu cho biết: “90% người dân được hỏi có mối quan tâm số 1 là “thực phẩm sạch”, an toàn, nhưng người dân lại phải ăn “thực phẩm bẩn”. Còn doanh nghiệp làm “thực phẩm sạch” thì khó khăn lắm mới có thể sinh tồn, chưa nói đến phát triển”.

Nếu những câu chuyện nêu trên còn tiếp diễn thì xem ra kỳ vọng của các nhà quản lý, chuyên gia, trong phần Tọa đàm tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp - Người Tiêu dùng: “Thực phẩm sạch dành cho ai”, trong vòng 5- 10 năm tới, người dân Việt được dùng “thực phẩm sạch” thì rất cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người tiêu dùng, thay đổi về cơ chế, chính sách của các cấp lãnh đạo và cơ quan chức năng…