Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực thi công ước chống tra tấn khi bắt, tạm giam người nước ngoài

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quy định pháp luật của Việt Nam có liên quan đến việc bắt, giam giữ người nước ngoài bị cáo buộc phạm tội tra tấn được thể hiện rõ.

Ảnh minh họa

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện như đối với người Việt Nam phạm tội. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử: Các CQĐT và Viện KSND, TAND là các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử người bị cáo buộc thực hiện hành vi tra tấn. Căn cứ và cấu thành của tội phạm và các tình tiết của vụ án, thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử sẽ được giao cho các CQĐT, Viện KSND và TAND ở cấp tương ứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 hoặc theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 khi có hiệu lực thi hành.

Việc thông báo và tổ chức thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự áp dụng với cơ quan ngoại giao, lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, các trại giam, trại tạm giam, phạm nhân nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BCA-BQP-BNG ngày 13/02/2012 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự với phạm nhân và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963.

Viên chức ngoại giao, lãnh sự nước ngoài có phạm nhân mang quốc tịch đến thực hiện thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự tại các trạm giam, trại tạm giam sau khi được cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng cấp giấy giới thiệu thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự. Phạm nhân được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 1 giờ, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời gian thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự nhưng không quá 2 giờ. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì cơ quan, người có thẩm quyền phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt (Điều 116).

Từ năm 2011 đến hết năm 2015, có tổng số 85 lượt đại diện đại sứ quán các nước đã thăm gặp lãnh sự đối với 1.526 lượt phạm nhân; khoảng 20 đoàn tổ chức quốc tế đến thăm trại giam và tiếp xúc với phạm nhân là người nước ngoài; 796 lượt thăm thân đối với phạm nhân là người nước ngoài.

Các quy định có liên quan đến thủ tục, trình tự, thẩm quyền… để thông báo với các quốc gia khác cụ thể gồm: Thông qua cơ quan đại diện ngại giao, cơ quan lãnh sự: việc thông báo với các quốc gia khác có liên quan đến vụ việc có yếu tố nước ngoài có thể được thực hiện thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam, chức năng này đã được quy định tại Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14-3-2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao. Trình tự thủ tục cơ bản như sau: (i) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia khác thì có thể thông qua Bộ Ngoại giao Việt Nam để gửi thông báo tới Cơ quan đại diện nước đó tại Việt Nam (hoặc kiêm nhiệm); (ii) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cung cấp thông tin thì có thể thông qua Cơ quan đại diện của nước đó tại Việt Nam (hoặc kiêm nhiệm) gửi yêu cầu tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để Bộ Ngoại giao Việt Nam chuyển tới cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, thực hiện.

Điều 493 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định Bộ Công an là Cơ quan Trung ương Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; VKSND tối cao là Cơ quan Trung ương của Việt Nam trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự. Các cơ quan Trung ương sẽ có trách nhiệm trao đổi thông tin về quá trình xử lý mọi vụ việc về tương trợ tư pháp về hình sự.

Thông qua kênh Interpol: việc trao đổi thông tin qua kênh Interpol được thực hiện theo Điều lệ của Interpol và quy định về tổ chức, hoạt động của Interpol Việt Nam.