KTS Trần Huy Ánh - Thường vụ Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội |
Theo ông, nghệ thuật cộng đồng nói cách khác là bích họa đường phố của Việt Nam xuất phát từ đâu?- Dự án bích họa đường phố đáng nói ở Việt Nam là ở Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam). Ban đầu dự án này khá thành công vì có sự hỗ trợ của tổ chức có kinh nghiệm thực hiện dự án cộng đồng đã 20 năm của Hàn Quốc. Dự án biến Tam Thanh từ làng chài heo hút trở nên thu hút khách du lịch.Nói như vậy, Hà Nội học Tam Thanh để làm các dự án bích họa này?- Khó nói nơi nào học nơi nào, nhưng Hà Nội có lịch sử phát triển theo định hướng TP công cộng, đã từng tự hào là TP cây xanh, có nhiều mặt nước sông hồ, nhiều công viên, nhà hát, lối đi, sân chơi công cộng, mạng lưới CLB công nhân, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi rộng khắp… Vậy mà 10 năm đầu thế kỷ XXI, mỗi năm Hà Nội xây dựng hàng chục triệu mét vuông nhà ở, bằng tổng diện tích xây dựng trong suốt thế kỷ XX. Các tòa nhà thương mại khổng lồ liên tục mọc lên. Diện tích TP mở rộng hàng ngày, nhưng KGCC ngày càng teo lại, thiếu hụt, kém hấp dẫn... Chỉ mới gần đây, Hà Nội mới sực tỉnh nhận ra và chú ý đến việc duy trì các KGCC, chống lấn chiếm, suy giảm các KGCC. Dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng là một trong những khởi sắc đưa nghệ thuật vào không gian sống của Hà Nội. Không cần tiêu tốn quá nhiều tiền, nhưng dự án đã nói lên được khát vọng của người Hà Nội có tính nghệ thuật và có hồn nhờ những bức vẽ của những họa sĩ đương đại.Trước dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng có rất nhiều dự án bích họa cộng đồng khác ở các khu dân cư. Ông nhận xét gì về các dự án này?- Nghệ thuật cộng đồng là việc xứng đáng phải làm. Trên thế giới từ vùng làng quê nông thôn hay TP đều mang ước vọng của mỗi con người trong những thông điệp về nghệ thuật cộng đồng. Nhưng tôi chưa thật đồng tình với các tô điểm ở các khu dân cư của Hà Nội. Bởi các dự án này mang tính tự phát, nên giữa thực tế và năng lực tả thực có khoảng cách. Có những dự án đạt kỷ lục Guineess nhưng phô diễn những thứ thẩm mỹ tùy tiện, ngôn ngữ nghệ thuật lộn xộn. Đó chính là hạn chế của việc đưa cái đẹp về cuộc sống nếu thiếu cân nhắc, là một trong những cách quản lý quan liêu và thiếu sáng tạo.Đánh giá cao Dự án Bích họa trên phố Phùng Hưng, phải chăng vì dự án có sự chung tay của các họa sĩ từ nhà quản lý đến giới nghệ thuật, nghĩa là thực hiện trong tầm quy hoạch?- Tôi không nghĩ nghệ thuật cộng đồng là phải quy hoạch, như vậy sẽ mang tính áp đặt và khô cứng hội họa. Nhưng theo tôi, mỗi dự án dù là hội họa bình dân cũng cần có cuộc thảo luận giữa nghệ sĩ, người làm văn hóa và người dân, để tập hợp những tấm lòng của những người yêu Hà Nội tạo nên những công trình thể hiện tầm vóc của một TP yêu cái đẹp, có trí tuệ, không quan liêu, áp đặt.Xin cảm ơn ông!