Thuế giá trị gia tăng chính thức giảm 2%: Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Theo VietnamPlus
Chia sẻ Zalo

Theo Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN) 
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN) 

Ngày 1/7, thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức giảm 2% từ 10% xuống 8% theo Nghị quyết của Quốc hội đối với nhiều mặt hàng.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; trong đó, quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp kích cầu tiêu dùng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế năm 2023.

Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh (Thái Nguyên) cho rằng, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, quyết định của Chính phủ triển khai lúc này rất là kịp thời vì giúp doanh nghiệp giảm ngay được từ đầu vào, đầu vào giảm thì sản phẩm đầu ra cũng rất thuận lợi giúp cho doanh nghiệp có tích lũy và mở rộng sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, với việc được giảm thuế VAT đầu vào, người bán sẽ có điều kiện để không phải tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ từ đó cũng sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ và cải thiện.

Chính phủ cũng đánh giá người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Người dân mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)  
Người dân mua hàng tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)  

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Hiện nay Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng Để doanh nghiệp không bị lúng túng trong việc thực hiện giảm thuế theo quy định của Quốc hội, Chính phủ, Tổng cục Thuế đã có công văn đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử (tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử), tổ chức kết nối truyền nhận dữ liệu trực tiếp với cơ quan thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử và giải pháp nâng cấp các biểu mẫu kê khai thuế GTGT theo quy định về giảm thuế giá trị gia tăng năm 2023 tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2023.

Sau khi nghị định và văn bản hướng dẫn được ban hành, Tổng cục Thuế sẽ có thông báo để các tổ chức thực hiện nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử, giải pháp nâng cấp các mẫu biểu kê khai thuế giá trị gia tăng đáp ứng quy định về giảm thuế giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Cục trưởng Cục Thuế Vĩnh Phúc, cho biết năm 2022, trong quá trình thực hiện quy định về miễn, giảm thuế, cục thuế đã công khai số điện thoại của phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế để doanh nghiệp liên hệ khi gặp vướng mắc.

Bên cạnh việc hỗ trợ bằng phương thức gửi văn bản, hỗ trợ trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế và hỗ trợ qua điện thoại, ông Nguyễn Đức Huy cho biết, Cục Thuế Vĩnh Phúc còn biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết người nộp thuế các bước xác định danh mục các sản phẩm cần tra cứu mã hàng hóa, dịch vụ; xác định mã hàng hóa, dịch vụ; đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để xác định mức thuế giá trị gia tăng.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24.000 tỷ đồng. Tính riêng số thu ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 12/2023 sẽ nộp trong tháng 1/2024.

Chính điều này đã làm dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng giảm thuế VAT được coi là “Một mũi tên trúng nhiều đích,” bởi giảm thuế VAT trước mắt nhưng tổng nguồn thu ngân sách lại tăng lên khi doanh nghiệp hoạt động tốt hơn. Bởi nếu doanh nghiệp không bị thoái lui khỏi thị trường thì vẫn có thể phục hồi được do kích cầu tiêu dùng trong nước, khiến cho vòng quay sản xuất của doanh nghiệp được quay trở lại, tương lai sẽ có nguồn thu bền vững.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ kích thích tiêu dùng đối với thị trường nội địa và mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Việc giảm thuế không chỉ giảm khó khăn cho doanh nghiệp mà chính là giảm chi phí cho người dân, kích cầu trong hệ thống chuỗi giá trị cung ứng. Giảm 2% tuy là không nhiều nhưng thị trường nội địa sẽ có sự phát triển và như vậy cũng tăng được nguồn thu.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho hay sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, quyết liệt quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo tập trung thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách./.