Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuế thu nhập cá nhân: Khoan sức dân là cần thiết

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các chi phí, giá cả tăng cao, trong khi mức chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bất động, người lao động lại càng đau đầu cân đối tiêu dùng. Những quy định tại Luật thuế TNCN hiện hành được cho là đang “lạc lõng”...

Người lao động lo âu vì mức chịu thuế thu nhập cá nhân không thay đổi khi giá hàng hóa tăng cao. Ảnh: Thanh Hải
Người lao động lo âu vì mức chịu thuế thu nhập cá nhân không thay đổi khi giá hàng hóa tăng cao. Ảnh: Thanh Hải

Số thu tăng, giảm trừ gia cảnh bất động

Theo thông tin mới nhất của Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm 2022, khoản từ thuế thu nhập cá nhân tăng hơn 20%, lên tới 50.700 tỷ đồng, hoàn thành gần một nửa kế hoạch cả năm. Đây là khoản từ thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương, người kinh doanh, cá nhân đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản... Điều này cho thấy, trong bối cảnh thu nhập người lao động giảm sút, các chi phí khác gia tăng, họ vẫn phải gánh một mức chịu thuế TNCN không đổi, thậm chí rất lạc hậu so với mặt bằng giá cả hiện nay.

Phía Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN. Đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Ngày 2/6/2020, mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 được điều chỉnh nâng giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

“Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân. Việc này góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công” - thông tin từ Bộ Tài chính cho biết.

Lý lẽ của Bộ Tài chính là vậy, tuy nhiên, thực tế, mức giảm trừ gia cảnh hiện không phù hợp với mặt bằng giá cả nhiều năm nay. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng đối với các đối tượng nộp thuế, trong đó có người làm công ăn lương sẽ thiệt thòi hơn cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19 do chưa được đề xuất chính sách hỗ trợ nào. Sẽ càng bất công hơn khi trong điều kiện bình thường, họ đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước, nhưng khi họ gặp khó khăn thì chính sách thuế lại bỏ quên họ.

Tần ngần ngắm nghía, cầm lên rồi quyết định bỏ xuống bộ quần áo định mua cho con trai, chị Vân Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) chép miệng: “Thu nhập thì giảm mà giá cả thì cái gì cũng leo thang. Người bán hàng giải thích là do Covid-19, căng thẳng chính trị thế giới, giá xăng, dầu tăng… làm tăng các chi phí hàng hóa khiến giá bán tăng. Trong khi, thu nhập giảm do đơn hàng về công ty không đều. Vì thế, dù thu nhập trên 17 triệu đồng nhưng mỗi tháng, tôi vẫn phải đau đầu co kéo từ tiền ăn uống, tiền học cho con, tiền thuê nhà, tiền thuốc men…”.

Về biểu thuế, nhiều ý kiến phản ánh, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế; Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật thuế TNCN.

Theo quy định hiện hành, biểu thuế TNCN từ tiền công, tiền lương được chia làm 7 bậc (sau khi giảm trừ gia cảnh), cụ thể: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 - 18 triệu đồng mức 15%; từ trên 18 - 32 triệu đồng mức 20%; từ trên 32 - 52 triệu đồng mức 25%; trên 52 - 80 triệu đồng mức 30%; trên 80 triệu đồng mức 35%.

Người lao động ngày càng đau đầu cân đối tiêu dùng.
Người lao động ngày càng đau đầu cân đối tiêu dùng.

Sửa đổi thế nào?

Thời gian qua, hàng loạt yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng, dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Nguy cơ lạm phát bắt đầu len lỏi trong đời sống người dân và nền kinh tế.

“Nếu thuế phí không hỗ trợ người lao động thì cuộc sống của họ giữa đại dịch sẽ lại càng thêm nặng gánh. Và câu chuyện sửa một Luật Thuế quan trọng như thuế TNCN để “khoan sức dân” là cần thiết. Tuy nhiên, sửa thế nào để Luật không sớm lạc hậu so với thực tế là câu chuyện cũng cần bàn đến”- Luật sư Hà Huy Phong (Công ty Luật Inteco) đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đề xuất, nên nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15 - 20 triệu đồng. Cùng với đó, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng nâng theo. Bên cạnh đó, có nhiều bậc thuế và mức thuế suất cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân, đặc biệt là mức thuế 35%.

Trong khi DN được ưu đãi về thuế thì thuế TNCN với người làm công ăn lương vẫn giữ nguyên. Vị chuyên gia này đề xuất chỉ nên để 4 bậc thuế là 5%, 10%, 20% và 30%. Mức chịu thuế suất 5% áp cho phần chịu thuế 15 - 20 triệu đồng thay vì đến 5 triệu đồng như hiện nay; mức thuế suất 10% áp cho phần thu nhập chịu thuế 20 - 40 triệu đồng.

 

Trong đợt sửa đổi lần này, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức TNCN, cân nhắc có nên đưa ra con số tuyệt đối không hay quy định điều chỉnh mức chịu thuế theo tỷ giá tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Hoặc Ban soạn thảo cũng có thể chọn phương án thuế TNCN theo mức lương tối thiểu vùng, tính đến các yếu tố phù hợp với thu nhập và mức chi tiêu của từng địa bàn như nông thôn, thành thị…

Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật Inteco

 

 

Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP về việc nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 Luật thuế, trong đó có Luật thuế TNCN. Theo đó, Bộ này yêu cầu đánh giá theo từng nhóm vấn đề gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh.