Ngày 14/11, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn.
Chưa toàn diện
Phát biểu khai mạc, TS. Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thông tin, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong số 13 dự án luật của chương trình Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, đang được Quốc hội thảo luận dựa trên dự thảo trình của Chính phủ.
Góp ý về dự thảo Luật này, nhiều ý kiến đều cho rằng, cần phải có thêm các nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn, đảm bảo cả định lượng và định tính khi đánh giá về tác động của các phương án, các kịch bản tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, để nhìn nhận rõ ràng hơn mức độ tác động theo các chiều hướng: bộ phận - tổng thể; theo thời gian: ngắn hạn - trung hạn - dài hạn. Trên cơ sở đó mới có thể xác định phương án tối ưu, có khả năng đảm bảo bền vững các mục tiêu cần đạt được.
"Với sự hội tụ đông đảo đội ngũ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu kinh tế, các ban, bộ ngành đến các trường đại học, các viện nghiên cứu... thông qua các diễn đàn đã mang lại giá trị lớn, cung cấp thông tin đa chiều, giúp các cơ quan quản lý và cơ quan hoạch định chính sách nắm bắt nhanh thông tin thực tiễn. Đồng thời giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thông hiểu giữa các chủ thể, cùng nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung" - TS. Chử Văn Lâm nói.
Dự thảo Luật quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030. Cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án nhưng TS. Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, đề xuất lại chưa có đánh giá tác động toàn diện (chủ yếu đánh giá dựa trên cảm nhận của cơ quan soạn thảo); còn thiếu vắng các luận cứ; thời điểm áp dụng chưa tính đến bối cảnh, thực tiễn doanh nghiệp, thị trường; chưa đánh giá các tác động liên ngành…
Nên bỏ cào bằng
Đứng ở góc độ đơn vị nghiên cứu chính sách, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Dự báo Thị trường Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) Vương Quang Lượng bày tỏ, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cần có lộ trình cụ thể, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến các đối tượng nộp thuế.
Ngoài ra, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần đi kèm với việc tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, vấn đề hàng giả, buôn lậu; phải bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước và thể hiện trách nhiệm xã hội khác của doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế phân tích tình hình "sức khoẻ" của doanh nghiệp ngành đồ uống, những đóng góp cũng như tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Chuyên gia thẳng thắn, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống chịu những khó khăn riêng. Trong đó, ngành này không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%); dịch Covid-19 và các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí... kéo dài; chi phí, giá nguyên vật liệu chính của ngành tăng từ 15 - 40%... đã kéo giảm kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành.
Theo kết quả khảo sát của Statista, giai đoạn 2021 - 2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10% so với năm trước); thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm.
Năm 2024, hàng tồn kho tiếp tục tăng (riêng 6 tháng năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ); doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận... “Năm 2024, kỳ vọng doanh thu của ngành đồ uống tăng 11%, tuy nhiên một phần là do so với mức nền thấp của năm 2023, so với thời điểm trước năm 2019 mức tăng trưởng này là thấp” - TS. Cấn Văn Lực nói.
Trên nền khó khăn của ngành đồ uống, theo TS. Cấn Văn Lực, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn sẽ khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”. Vị này phân tích, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành và nền kinh tế về trung, dài hạn. Tăng thuế càng nhanh, càng cao tổng hòa lợi ích giảm càng lớn.
“Tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài; tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, ăn uống…)” - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh và nhận định, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau; khó điều tiết hành vi tiêu dùng...
Trước những vấn đề nổi cộm trên, TS. Cấn Văn Lực đặt vấn đề, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn, nên chăng đưa ra các mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn (nồng độ càng cao, thuế suất cao hơn). Cùng đó, xem xét lùi thời điểm hiệu lực của Luật đến 1/1/2027 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi.
Thời gian qua, doanh nghiệp ngành có cồn liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc, sức chống chịu suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần đi kèm với việc tăng cường công tác thực thi pháp luật, quản lý Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, vấn đề hàng giả, buôn lậu; phải bảo đảm nguồn thu ngân sách và thể hiện trách nhiệm xã hội khác của doanh nghiệp. Một trong những mục tiêu luôn được Quốc hội thảo luận và chú trọng các giải pháp để thực hiện là tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Phương án 3 có mức độ ảnh hưởng thấp nhất tới mục tiêu tăng trưởng so với các phương án trưởng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhấn mạnh khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cần lưu ý các phương án tăng thuế đáp ứng được 4 mục tiêu đề ra: phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng ngành hàng; khả năng thích ứng của doanh nghiệp; mục tiêu tăng trưởng, ổn định thị trường; đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.