70 năm giải phóng Thủ đô

Thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá có thể lên tới 75%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp, tránh việc giảm thuốc lá sản xuất trong nước nhưng lại tăng buôn lậu.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, đây là chủ trương đúng đắn nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và giảm tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý.

Hiện tại thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tới 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%. Trong khi đó, một số nước trong khu vực có chung đường biên giới với Việt Nam như Campuchia, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 10%, thuế nhập khẩu 7%; Lào có mức thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 35%, Trung Quốc khoảng 40%. Thuốc lá là mặt hàng gọn, nhẹ, dễ vận chuyển, giá trị cao, lại là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao nên buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận và phát triển rất mạnh ở nước ta hiện nay.

 
Thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%.
Thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, 9 tháng năm 2014, thuốc lá lậu  tăng lên 30-40%. Dự báo năm nay, ngân sách nhà nước có thể thất thu hơn 8.000 tỷ đồng. Hiện tại, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam tăng cao, trong khi các nước có chung đường biên giới nước ta còn thấp sẽ gián tiếp làm tăng lợi nhuận của buôn lậu, tình trạng buôn lậu sẽ gia tăng làm thất thu ngân sách nhà nước và các mục tiêu đặt ra khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khó đạt được. Do đó, trước mắt cần tập trung chống buôn lậu thuốc lá và có lộ trình tăng thuế phù hợp:

“Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá hiện nay là 65%. Mức thuế này so với các nước châu Âu thì chưa cao, nhưng so với các nước trong khu vực thì cao hơn nhiều, nên Việt Nam trở thành điểm buôn lậu phát triển mạnh. Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể giảm được thuốc lá sản xuất trong nước, nhưng lại tăng buôn lậu. Vì vậy chúng tôi kiến nghị tại thời điểm này chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mà chống buôn lậu cần đi trước một bước. Khi kiểm soát được buôn lậu thuốc lá thì tiến tới tăng thuế tiêu thụ thuốc lá”, ông Cường cho biết.

Để Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống một cách tích cực, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam kiến nghị Quốc hội tính toán một cách toàn diện tất cả các yếu tố tác động tích cực và tác động tiêu cực, để đảm bảo việc tăng thuế là có hiệu quả, tránh những tác động ngược. Theo đó, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá có thể tăng lên 70% từ năm 2017 và tăng lên 75% vào năm 2020.