70 năm giải phóng Thủ đô

Thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) hiện nay đang là một vấn đề được rất nhiều các DN và nhà đầu tư quan tâm. Nếu không có gì thay đổi, thuế TTTC được áp dụng từ 1/1/2024 và sẽ tác động lớn đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

Tiến thoái lưỡng nan?

Thuế TTTC được đưa ra vào ngày 8/10/2021 tại Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong đó, trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế TTTC cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư.

Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất lợi thế ưu đãi thuế trong thu hút FDI. Ảnh: Hải Linh
Áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất lợi thế ưu đãi thuế trong thu hút FDI. Ảnh: Hải Linh

Các DN phải kê khai hoạt động đầu tư quốc tế, nếu mức thuế áp dụng tại các quốc gia mà họ đến đầu tư thấp hơn 15% thì nộp số thuế thiếu về nước đầu tư nơi đóng trụ sở chính. Dự kiến vào năm 2024, có 21 nước EU và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản... sẽ áp dụng quy tắc này và Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế TTTC sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. OECD ước tính, hơn 220 tỷ USD lợi nhuận dự kiến sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia mỗi năm và Việt Nam có thể hưởng lợi một phần từ sự phân bổ này nếu áp dụng thuế TTTC. Ngoài ra, thuế TTTC góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá…, của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu áp thuế TTTC cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng. Việc áp dụng thuế TTTC sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI.

Cảnh báo xu hướng đầu tư mới sụt giảm

Nhiều năm qua, Việt Nam có sức hút với các nhà đầu tư ngoại do nhiều yếu tố, trong đó có ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập DN cũng góp phần quan trọng tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Nhờ vậy, Việt Nam đã thu hút được hàng chục tỷ USD vốn đầu tư của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, LG, Foxconn…

Hiện tại hơn 50% sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung bán trên toàn cầu là sản xuất tại Việt Nam. Ngay cả các sản phẩm nổi tiếng của Apple cũng được các đối tác của thương hiệu táo khuyết này ngày càng gia tăng ráp, sản xuất ở Việt Nam…

Đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, tùy vào việc đáp ứng được đến mức độ nào các tiêu chí mà Chính phủ đặt ra, các nhà đầu tư chỉ phải nộp thuế thu nhập DN ở các mức lãi suất 5%, 7% và 9% trong vòng 30 - 37 năm.

Tuy nhiên, với việc áp dụng thuế TTTC 15%, thì các biện pháp ưu đãi thuế đó sẽ xem như vô hiệu. Vì thế mục tiêu thu hút “đại bàng” của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng đặt Việt Nam trước các thách thức mới trong thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới và tiên tiến trong các lĩnh vực ưu tiên.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/2/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022. Bộ KH&ĐT lý giải, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có sự giảm mạnh là do vốn FDI điều chỉnh giảm mạnh, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn góp mua cổ phần không đủ bù đắp cho sự sụt giảm này.

Vốn FDI giảm so với cùng kỳ là do xu hướng chung toàn cầu, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy, Việt Nam chưa tranh thủ tốt cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư toàn cầu. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông ái ngại, khi thuế TTTC bắt đầu được áp dụng tại nhiều nước, tình hình sẽ khó khăn hơn.

Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP Hồ Chí Minh Matsumoto Nobuyuki cho hay, khi quy tắc thuế TTTC chính thức có hiệu lực, chắc chắn nguồn vốn FDI, trong đó là đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Những ảnh hưởng tới các DN FDI là không nhỏ và cấp bách, đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn, như Samsung. “Là DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơ chế thuế TTTC, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ nhanh chóng nghiên cứu và có những sửa đổi, luật hóa hay xây dựng pháp luật nhanh chóng trong năm nay và để năm sau thực thi được” - Giám đốc Tài chính Samsung Electronics Việt Nam Sohn Dea Geun nói.

Bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đại diện Korcham, EuroCham cũng đề nghị điều này. Trong Sách trắng được công bố gần đây, EuroCahm đã đề nghị Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nước đang phát triển khác để đàm phán các điều kiện hạn chế, ngoại lệ, nhằm bảo vệ các lợi ích ưu đãi thuế của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cụ thể, dựa trên mức độ sử dụng lao động, chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa phát triển kinh tế…; hoặc duy trì giai đoạn chuyển tiếp, gia hạn đăng ký, ví dụ 2 - 3 năm, đối với đầu tư vào các nước đang phát triển.

Trong năm 2022, qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 1.015 DN FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách này.

Phương án đầu tư dài hạn

Theo ông Robert King, lãnh đạo Dịch vụ Thuế của EY khu vực Đông Dương, để tránh tình trạng các ưu đãi thuế của Việt Nam bị “thu hồi lại” ở một quốc gia khác, khiến nhà đầu tư không nhận được lợi ích gì từ chính sách ưu đãi và rốt cuộc phải trả thuế ở một quốc gia khác ngoài Việt Nam, cơ quan quản lý nên xem xét việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung.

Dù coi là thuế TTTC sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024 là biện pháp phản ứng nhanh, song Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam Thomas McClelland, việc áp dụng cũng cần được cân nhắc thận trọng trên nhiều yếu tố.

Ông Thomas McClelland cho rằng, quan trọng nhất không phải DN nào tại Việt Nam cũng nằm trong phạm vi áp dụng của thuế TTTC, mà chỉ các DN thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm trên 750 triệu EUR.

“Vì thế, việc áp dụng cho tất cả các DN có thể gây tác động tiêu cực đến các DN không thuộc phạm vi nộp thuế TTTC mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam” - ông Thomas McClelland nói.

TS Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các DN đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ thuế TTTC.

“Thay vì giảm thuế suất, có thể cho phép DN khấu trừ nhiều hơn 100% (ví dụ 150%) chi phí mà họ đầu tư vào các hoạt động quan trọng: nghiên cứu phát triển, đào tạo lao động, thuê nhân sự có chất lượng cao,... Chính sách này vẫn tạo được tác động ưu đãi vừa đạt mục tiêu nâng cao chất lượng đầu tư vào hoạt động mà nước chủ nhà mong muốn” - ông Hiếu gợi ý.

Ngoài ra, tiếp tục thay đổi chính sách theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng… vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh.

Nếu có một cơ chế thuế TTTC tốt nhất trên cơ sở học hỏi từ các nước, cộng với những lợi thế mà hiện nay các nhà đầu tư cho rằng chỉ Việt Nam mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân, thì rõ ràng đó lại là một cơ hội lớn.

Bên cạnh đó, Việt Nam có một thị trường thế giới rất tốt nhờ 15 Hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký, tất cả các yếu tố thuộc về lợi thế sẽ được nhân lên.