70 năm giải phóng Thủ đô

Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời cơ cải thiện môi trường thu hút FDI

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi- Việt Nam cần ban hành quy định thuế bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, như một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác. 

Đây là chia sẻ của TS Cấn Văn Lực - Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với báo Kinh tế & Đô thị.

Cơ hội trong thách thức

Thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/2024, ông có thể chia sẻ rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của thuế này và Việt Nam có bắt buộc phải thực hiện không?

- Với mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế giữa các quốc gia và chống thất thu thuế, từ năm 2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với 2 nội dung: Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận;

Đảm bảo rằng tất cả các DN hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu. Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã ban hành tuyên bố về “Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số”. Trong đó, Trụ cột I về phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số và Trụ cột II quy định về Thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời cơ cải thiện môi trường thu hút FDI - Ảnh 1

Tính đến thời điểm hiện nay, 142 quốc gia thành viên đã đồng thuận việc triển khai Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó có Việt Nam - thành viên thứ 100 của BEPS từ năm 2017. Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố thì các nước thành viên, trong đó có Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng các quy định của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thể chế và thực thi thuế chưa đồng bộ, chính sách ưu đãi thuế tại các quốc gia đã tạo cơ hội cho các DN tận dụng các kẽ hở quản lý để trốn thuế thông qua những hành vi gây xói mòn cơ sở tính thuế, vì vậy, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết. Qua đó sẽ góp phần tăng nguồn thu, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực sẽ tác động như nào đến Việt Nam, thưa ông?

- Cần phải khẳng định, Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế và đầu tư của Việt Nam.

Trước tiên, nhìn ở mặt cơ hội, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm ảnh hưởng sức cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải nộp “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính hoặc tại Việt Nam nếu đang được hưởng mức thuế suất hữu dụng thực tế tại Việt Nam thấp hơn 15%. 

Ngoài ra, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm phát sinh một số bất đồng, tranh chấp với một số đối tác, từ đó phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, khi áp dụng có thể làm phát sinh một số chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Chủ động ứng phó, cải thiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư

Thuế tối thiểu toàn cầu được cho là vấn đề mới và khó đối với tất cả các nước khi triển khai. Vậy, để không bị động, theo ông, lộ trình để Việt Nam áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu cần như nào?

- Trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động sơ bộ, đề xuất của Tổ công tác đặc biệt, Chính phủ sớm có phương án đề xuất chính sách thuế, giải pháp phù hợp. Theo tôi, Việt Nam nên áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động. Mặt khác, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.

Phía Bộ Tài chính và Tổ công tác đặc biệt cần sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, về kế toán phù hợp, cũng như phù hợp với quy định trong các Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này có hiệu lực. 

Theo đó, cần nội luật hóa bằng cách ban hành qui định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMT) như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác. Cũng theo đó, cần có hướng dẫn thực hiện (theo hướng dẫn của OECD, có điều chỉnh phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam).

Thời gian còn rất ít, đòi hỏi cần khẩn trương nội luật hóa bằng cách ban hành qui định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, đồng bộ, đồng nhịp. Nguyên tắc vì cái chung, vì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như chính phủ Việt Nam cam kết.

Khi áp dụng Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu, dự kiến nhiều nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng và trong ngắn hạn Việt Nam có thể sẽ mất đi một khoản vốn FDI. Ông có khuyến nghị gì với Việt Nam để vừa thực thi Quy tắc theo đúng cam kết, vừa có môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút doanh nghiệp FDI?

- Theo tôi, để bù lại, bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với 2 nhóm nhà đầu tư: Đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam (có thể có hỗ trợ về tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân...).

Tuy nhiên, nên áp dụng mức độ khác nhau với nhóm nhà đầu tư, loại dự án khác nhau. Đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024 (có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI).

Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp qui định pháp luật liên quan (như Luật thuế thu nhập DN, Luật ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư… ). Có thể xem xét một luật sửa nhiều luật. Đối với cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế.

Tuy nhiên, cần lưu ý chất lượng và thực thi thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh chi phí không chính thức… thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế như hiện nay.

Đồng thời, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy cho nâng cao sức chống chịu và phát triển kinh tế bền vững. Tận dụng tốt hơn các cơ hội hội nhập để học hỏi và áp dụng công nghệ mới, chuyển giao công nghệ và thu hút vốn FDI, ODA một cách chủ động, sàng lọc vì mục tiêu chung, thay vì cục bộ, địa phương.

Ưu tiên giải pháp gắn kết giữa DN FDI và DN trong nước, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ; đa dạng hóa thị trường, đối tác, có tính chiến lược, chọn lọc rõ ràng nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro tập trung, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.

 

Theo ước tính của Tổng Cục thuế trên cơ sở số liệu quyết toán thuế năm 2021, số thuế TNDN chênh lệch có thể thu thêm khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm (nếu các quốc gia có công ty mẹ đầu tư vào Việt Nam đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu này). Việt Nam có thể tận dụng nguồn thu tăng thêm này để tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh (nhất là thể chế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...) để duy trì năng lực cạnh tranh thu hút FDI.