Chất lượng, hiệu quả của hoạt động đối ngoại thể hiện ở đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ và thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh tình hình mới ở trong nước cũng như trên thế giới. Có thể thấy được cụ thể nhất sự thể hiện ấy ở phương diện hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày nay, đối ngoại theo định nghĩa vẫn là chuyện quan hệ của đất nước với thế giới, là quan hệ giữa các quốc gia và đối tác với nhau, vẫn là chuyện xử lý biến cố, khủng hoảng. Trong thực chất, đối ngoại nhằm đem lại nhiều lợi nhất và giảm đi nhiều nhất những cái hại cho đất nước. Đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được cụ thể hoá nội hàm ở gây dựng và duy trì môi trường chính trị an ninh, đối ngoại, kinh tế đối ngoại hoà bình, ổn định và thuận lợi nhất cho đất nước, ở tìm kiếm, tranh thủ mọi nguồn lực từ thế giới bên ngoài cho đất nước phát triển thịnh vượng cũng như hội nhập quốc tế.Một trong những thước đo cho hiệu quả thiết thực của hoạt động đối ngoại ngày nay là ích lợi đem lại cho con người và xã hội, cho các địa phương và khu vực của đất nước. Bất kể thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược hay tin cậy, toàn diện hay chưa toàn diện với đối tác bên ngoài nào, bất kể ký kết và tham gia thoả thuận hợp tác kinh tế, thương mại cũng như khu vực mậu dịch tự do với những ai thì mục đích vẫn luôn phải là đất nước, địa phương và người dân có được lợi ích gì, giúp tháo gỡ được vướng mắc gì và giải quyết được vấn đề nào trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương.Hoạt động đối ngoại bám sát nhịp thở của thời đại và bước chuyển của thế giới nhưng đồng thời còn phải đồng hành với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, hỗ trợ, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đối ngoại nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, bắc cầu cho các địa phương và người dân tiếp cận thế giới, đi ra với thế giới, khai phá, tận dụng những điều kiện, cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và khu vực trong nước. Đồng thời đưa thế giới, đối tác đến đất nước và địa phương.Trên phương diện hoạt động đối ngoại phục vụ đất nước phát triển kinh tế - xã hội, ở vị trí trung tâm luôn phải là các địa phương, khu vực, các ngành kinh tế, DN, xã hội và người dân. Hoạt động đối ngoại phải hữu ích rất cụ thể chứ không chung chung, rất thiết thực chứ không danh nghĩa thuần tuý.Đại hội Đảng lần thứ XIII còn đưa ra định hướng về xây dựng ngành ngoại giao toàn diện và hiện đại. Hiệu quả thiết thực của hoạt động đối ngoại trong phục vụ đất nước phát triển kinh tế - xã hội vừa là nhiệm vụ và yêu cầu, vừa còn phải là đặc điểm, bản chất của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của đất nước ta.