Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuốc nào ghìm cương lạm phát?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học Viện Tài chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022 tiếp tục gia tăng bởi giá các nguyên, nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là xăng dầu đều tăng cao, đòi hỏi cần có các biện pháp quản lý phù hợp.

Áp lực đến từ nhiều phía

Từ nay tới cuối năm, có thể thấy áp lực lạm phát với nền kinh tế Việt Nam đến từ nhiều phía. Đó là xung đột Nga - Ukraine vẫn hiện hữu; chính sách zero Covid-19 của Trung Quốc và việc gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu sẽ khiến mặt bằng giá cả khó giảm.

Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Vinmart trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cùng với việc lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia đã thực hiện nâng lãi suất và các biện pháp để kìm giữ lạm phát nên sự phục hồi và phát triển kinh tế bị chậm lại. Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã có các động thái giảm mua trái phiếu chính phủ và xem xét nâng mạnh lãi suất cơ bản trong 6 tháng đầu năm 2022. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” ngày 7/6/2022, Ngân hàng Thế giới cảnh báo, thế giới đang bước vào “thời kỳ tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng”, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,1% xuống 2,9%. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát vẫn cao và lãi suất tăng cao sẽ làm nhu cầu đầu vào của sản xuất thu hẹp và khả năng chi tiêu của nền kinh tế thu hẹp, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột Ukraine và chính sách trừng phạt kinh tế tăng dần của các nước phương Tây đối với Nga, cùng sự trả đũa cũng rất mạnh mẽ của Nga đối với các nước phương Tây làm đứt gãy nguồn cung xăng, dầu và nhiều loại nguyên vật liệu và lương thực của thế giới. Cuộc xung đột chưa thấy hồi kết, nên giá cả nhiều mặt hàng trong nền kinh tế khó hạ thấp. Đây sẽ là nhân tố đẩy giá cả xăng dầu và nhiều mặt hàng tiếp tục ở mức cao, thúc đẩy lạm phát tăng lên.

Ở trong nước, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào chiếm tới 37%, cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. Thêm vào đó, năm 2022 tác động của các gói kích cầu kinh tế sẽ bộc lộ rõ hơn do tác động bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường. Vì vậy, lượng tiền tệ trong nền kinh tế tương đối lớn có thể gây sức ép lạm phát.

Ở một thái cực khác, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục được giải ngân tăng cao trong năm 2022 cũng sẽ là một nhân tố có thể giúp tỷ giá VND so với các ngoại tệ bớt căng thẳng. Nhưng việc giải ngân cao cũng đòi hỏi lượng nguyên nhiên vật liệu, vật tư, lao động và các yếu tố sản xuất tăng cao, đẩy lạm phát tăng cao.

Cần cơ chế quản lý giá thường xuyên

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại. Đây sẽ là yếu tố tiên quyết cho khả năng tăng trưởng và ổn định kinh tế năm 2022.

Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.

Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Còn đối với Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Song song với đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng. Đồng thời, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.

 

Dự báo trong 6 tháng cuối năm, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các DN Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7 - 7,5%, thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5 - 3,8%.