Bởi khi công nghệ thông tin, nhiều loại hình truyền thông xã hội phát triển nhanh, báo chí truyền thống đứng trước những thách thức về yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời, nhưng vẫn bảo đảm định hướng trước nhiều luồng thông tin khác nhau và cũng đòi hỏi mỗi người làm báo phải nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn với nghề, với xã hội.
Từ chỗ chỉ tiếp cận với các tờ báo in, phát thanh hay truyền hình truyền thống, bây giờ, thông qua công nghệ, công chúng có thể tiếp nhận thông tin đa dạng, nhiều chiều qua rất nhiều kênh khác nhau, trong đó có mạng xã hội. Thực tế, cũng bởi sự bùng nổ của mạng xã hội khiến chưa bao giờ việc lọc thông tin khó như hiện tại. Nhiều sự việc chỉ vài tiếng có hàng triệu bình luận, nhưng có khi hai ba hôm sau lại đảo chiều. Một vấn đề nguy hiểm là nhiều nhà báo không đủ thời gian để suy nghĩ khi áp lực đưa tin điện tử ngày một nhanh. Và chính bởi sự cạnh tranh gay gắt của thông tin, thị trường, gần đây báo chí cũng vướng không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật.
Để tăng trách nhiệm xã hội của nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; đồng thời, công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam với các quy định cụ thể về nguyên tắc, chuẩn mực, những việc, những điều cần làm, không được làm trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Qua đó bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019), Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đã có bài viết về truyền thông xã hội, trong đó phân tích rất kỹ về thực trạng, xu hướng của truyền thông xã hội trên vai trò một “dòng chảy thông tin” trên nền tảng, dịch vụ công nghệ. Trong đó khẳng định, truyền thông xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, yêu cầu đặt ra là phải nhìn nhận đúng ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nhận diện và quản lý những tác nhân gây ảnh hưởng.
Trong nhiều giải pháp được Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư đưa ra đều nhấn mạnh, để hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực cả truyền thông xã hội, thì vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực cũng được nhấn mạnh. Theo đó, báo chí cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm...
Như vậy có thể thấy, dù truyền thông xã hội phát triển nhanh, đa dạng nhưng không có nghĩa báo chí truyền thống mất hết vai trò. Trong “mớ” thông tin với nhiều góc nhìn từ các trang mạng, thông tin từ báo chí vẫn sẽ được bạn đọc trông đợi như một nguồn tin đáng tin cậy. Vì thế, điều cần có của nhà báo hiện nay là phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, thẩm định nguồn tin và cung cấp, sử dụng thông tin; phân biệt được thông tin đúng - sai, thật - giả… Hay nói khác đi, để phát huy lợi thế và giữ được độc giả, mỗi cơ quan báo chí, nhà báo phải căn chỉnh thước ngắm về trách nhiệm xã hội, xây dựng nội dung thông tin đủ sức cạnh tranh nhưng không lệch chuẩn. Có thể báo chí không bao giờ thắng được mạng xã hội về tốc độ đưa tin. Tuy nhiên, báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, sự chuẩn mực trong hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo, đó cũng là trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của người làm báo hôm nay.