Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thước ngắm về trách nhiệm

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trách nhiệm xã hội của báo chí – câu chuyện không mới tiếp tục được nhắc đến khi tổng kết lại hoạt động của báo chí trong một năm qua. Có thế nói rằng, trong thời đại kỹ thuật số, dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm... Tuy nhiên, báo chí cũng vẫn vướng không ít “điều tiếng” khi chạy theo xu hướng thương mại hóa, giật gân câu khách, thậm chí thông tin sai sự thật.

 
Như các nhận định được đưa ra tại cuộc tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2019 vừa diễn ra, có thể thấy, báo chí đã làm rất tốt trách nhiệm của mình. Báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nội dung thông tin phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Việc triển khai áp dụng 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phát huy tác dụng tích cực… Chúng ta cũng phải công nhận rằng nhờ có báo chí, nhiều nhà báo quả cảm mà không ít vụ việc tham nhũng lớn, những tiêu cực trong xã hội được đưa ra ánh sáng; công lý và lẽ phải được bảo vệ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có những tin bài nêu mặt trái, những câu chuyện tiêu cực nhưng tầm phào, nhảm nhí mang tính câu khách rẻ tiền trên vài trang báo. Rồi cũng bởi sự bùng nổ của mạng xã hội khiến chưa bao giờ việc lọc thông tin khó như hiện tại, nhiều sự việc chỉ vài tiếng có hàng triệu bình luận, nhưng có khi hai ba hôm sau lại đảo chiều. Cùng với đó, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử bước đầu được khắc phục song vẫn diễn biến phức tạp. Nhìn vào số liệu thống kê năm 2019, có 29 cơ quan báo chí bị kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với "lỗi" chủ yếu là thông tin sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2020 tiếp tục là năm có nhiều thách thức đối với công tác báo chí bởi sự phát triển mạnh mẽ hơn của internet, truyền thông xã hội. Và trong “mớ” thông tin với nhiều góc nhìn từ các trang mạng, thông tin từ báo chí vẫn sẽ được bạn đọc trông đợi. Vì thế, như nhiều ý kiến đã chỉ ra, để thông tin lan tỏa đến tận ngõ ngách của cuộc sống, tính định hướng, chính thống cao hơn; lấy cái tốt đẩy lùi tiêu cực, cùng với thay đổi để tiến tới những hình thức báo chí hiện đại, rất cần báo chí phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, thẩm định nguồn tin và cung cấp, sử dụng thông tin; phân biệt được thông tin đúng - sai, thật - giả…
Hay nói khác đi, để phát huy lợi thế và giữ được độc giả, mỗi cơ quan báo chí, nhà báo phải giữ vững tôn chỉ mục đích; căn chỉnh thước ngắm về trách nhiệm xã hội, xây dựng nội dung thông tin đủ sức cạnh tranh nhưng không lệch chuẩn. Ngoài đấu tranh phê phán những cái xấu, cái ác trong xã hội, báo chí còn có trách nhiệm to lớn là hướng xã hội đến những điều tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội; đồng thời, phải hết sức tỉnh táo trước việc lợi dụng báo chí để đấu đá nội bộ, cạnh tranh phe nhóm, đó là yêu cầu được lãnh đạo Đảng, Chính phủ “đặt hàng” báo chí và cũng là nhận định được đồng tình.