[Thuốc&Dinh dưỡng] Sơn tra - vị thuốc tiêu thực

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sơn tra còn gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra. Tên khoa học Crataegus pinnatifida Bunge (bắc sơn tra, sơn tra), Crataegus cuneata Sieb.et Zucc. (nam sơn tra, dã sơn tra). Thuộc họ Hoa hồng Rosaceae.

Sơn tra (Fructus Crataegi) là quả chín thái mỏng phơi hay sấy khô của cây bắc hay nam sơn tra.

 

Bắc sơn tra (Crataegus pinnatifida) là một cây cao 6m, cành nhỏ thường có gai. Lá dài 5 -10cm, rộng 4 - 7cm, có 3 - 5 thùy, mép có răng cưa, mặt dưới dọc theo các gân có lông mịn, cuống lá dài 2 - 6cm. Hoa mẫu 5, họp thành tán. Đài có lông mịn, cánh hoa màu trắng, 20 nhị, Quả hình cầu, đường kính 1 - 1,5cm, khi chín có màu đỏ thắm.

 

Cây nam sơn tra hay dã sơn tra (Crataegus cuneata) cao 15m, có gai nhỏ 5 - 8mm. Lá dài 2 - 6cm, rộng 1 - 4,5cm, có 3 - 7 thùy, mặt dưới lúc đầu có lông, sau nhẵn. Hoa mẫu 5, hợp thành tán. Cánh hoa trắng, 20 nhị. Quả hình cầu đường kính 1 - 1,2cm, chín có màu vàng hay đỏ.
[Thuốc&Dinh dưỡng] Sơn tra - vị thuốc tiêu thực - Ảnh 1
 Ảnh minh họa.
Ở Việt Nam hiện khai thác với tên sơn tra hay chua chát, quả của hai loài cây khác nhau. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm vì hai cây này đều khác với chi Sơn tra (Crataegus).

 

Về thành phần hóa học, thịt quả sơn tra tươi chứa 0,7% chất đạm, 0,2% chất béo, 22% chất đường, có các acid hữu cơ, giàu vitamin C (0,03 - 0,1%, đứng hàng thứ tư trong các loại hoa quả giàu vitamin C), vitamin B2 (đứng hàng đầu trong các loại hoa quả, ngang với chuối tiêu), caroten (đứng thứ hai trong các loại hoa quả) và canxi (mỗi 100g sơn tra có chứa 85mg canxi thuộc loại cao nhất trong các loài hoa quả). Ngoài ra, sơn tra còn chứa chì, sắt, tanin, acetylcholine, phytosterrin.

 

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sơn tra có tác dụng dược lý khá phong phú như:

 

- Nâng cao năng lực hoạt động của hệ tiêu hóa (thúc đẩy bài tiết dịch vị và dịch mật, gia tăng hoạt tính của các men tiêu hóa như amylolytic enzyme, lipolytic enzyme…, điều tiết sự co bóp của cơ trơn dạ dày và ruột.

 

- Ức chế một số vi khuẩn như trực khuẩn lỵ, coli, than, bạch hầu, thương hàn, mủ xanh và tụ cầu vàng; sơn tra sao đen có khả năng hấp thụ các chất hoại tử và độc tố của vi khuẩn, làm giảm kích ứng thành ruột và làm giảm nhu động ruột nhờ đó mà có tác dụng giảm đau, chỉ lỵ và cầm đi lỏng.

 

- Hạ mỡ máu, ức chế sự lắng đọng của chất mỡ ở thành mạch, vì thế có tác dụng dự phòng tích cực quá trình tiến triển của bệnh vữa xơ động mạch.

 

- Hạ huyết áp, làm giãn và gia tăng lưu lượng động mạch vành tim, giảm thấp lượng oxy tiêu thụ của cơ tim, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ tim mạch và phòng chống hữu hiệu các bệnh lý thuộc động mạch vành.

 

Ngoài ra, nó còn có tác dụng: Chống ngưng tập tiểu cầu; tăng cường sức miễn dịch của cơ thể; làm giãn phế quản, thúc đẩy hoạt động của hệ vi nhung mao ở thành phế quản nhờ đó mà có tác dụng hóa đờm bình suyễn; chống oxy hóa, bảo hộ tế bào gan…

 

Công dụng và liều dùng:

 

Tây y coi sơn tra (hoa, quả, lá) là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên tuần hoàn (tim và mạch máu) và giảm đau, an thần. Đông y coi sơn tra là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên bộ máy tiêu hóa.

 

Theo tài liệu cổ, sơn tra có vị chua, ngọt, tính ôn vào 3 kinh tỳ, vị và can, tiêu được các thứ thịt tích trong bụng. Cũng trong các tài liệu cổ, sơn tra hành ứ, hóa đờm, giải được độc cá, lở sơn, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau, đồng thời ghi chú: “Ăn nhiều sơn tra thì hao khí hại răng, những người gầy còm, có chứng hư chớ ăn...”.

 

Liều dùng trong Đông y: Ngày uống 3 - 10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Đơn thuốc có dùng sơn tra chữa ăn uống không tiêu: Sơn tra 10g, chỉ thực 6g, trần bì 5g, hoàng liên 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

 

Nếu mỡ máu cao: Sơn tra, mạch nha cô chế thành dạng trà, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 gói 30g, mỗi liệu trình 2 tuần.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần