[Thuốc&Sức khỏe] Những bài thuốc trị rụng tóc

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đông y, tóc là một phần dư ra của huyết nên có liên quan mật thiết đối với huyết và tạng thận. Vì vậy, khi thận, tạng, khí huyết bị hao tổn thì dẫn đến rụng tóc, tóc xấu. Ngoài ra, phế bị tổn hại cũng dẫn đến rụng tóc, khô tóc, bạc tóc vì phế chủ về da lông.

Chứng rụng tóc sau khi ốm dậy hoặc sau khi sinh nở: Thường xuất hiện sau khi bị bệnh nặng hay sau khi sinh nở. Tóc bị rụng nhiều, da đầu mềm, môi trắng, hơi thở ngắn, tiếng nói nhẹ, đầu váng, ngủ nhiều, mệt mỏi, không có sức, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược. Ngoài rụng tóc bệnh nhân còn có những dấu hiệu huyết kém, huyết hư. Do đó pháp trị ở đây sẽ là bổ âm dưỡng huyết.
Bài thuốc tiêu biểu là Hậu thiên lục vị phương (Lãn Ông - Hiệu phỏng tân phương). Vị thuốc: Thục địa 40g; đương quy 20g, nhân sâm 12g, đan sâm 8g, viễn chí 4g, táo nhân (sao đen) 4g; gia: bá tử nhân 20g, tang thầm 20g. Trong đó: Thục địa bổ thận âm, ích tinh, dưỡng huyết; đương quy dưỡng can huyết; tang thầm bổ huyết sinh tân; nhân sâm đại bổ chân âm; đan sâm hoạt huyết; Táo nhân, viễn chí, bá tử nhân có tác dụng dưỡng tâm, an thần.

Tóc bị vàng hoặc trắng, rụng, thường xuất hiện ở người 40 tuổi trở lên (Can thận bất túc). Ngoài ra còn có các dấu hiệu như chân lạnh, đầu váng, tai ù, lưng đau, gối mỏi, lưỡi đỏ sậm có vết nứt, ít có rêu lưỡi, mạch trầm tế không lực.

Điều trị: Tư Can, ích Thận; dùng bài Thất bảo mỹ nhiệm đơn gia giảm (hà thủ ô, câu kỷ tử, thỏ ty tử, đương quy đều 15g; nữ trinh tử, hắc chi ma, hồ đào nhục, ngưu tất đều 12g, hoàng tinh, tang thầm tử, viễn chí, thạch xương bồ đều 10g).

Ngoài ra, theo quan điểm của y học hiện đại, đối với chứng rụng tóc alopecia areata có những bằng chứng của bệnh lý tự miễn. Do đó ta có thể sử dụng bài thuốc trên vì thục địa có tác dụng ức chế miễn dịch hoặc dùng bài thuốc trên kết hợp với liệu pháp corticoid vì thục địa sẽ hạn chế phản ứng phụ của việc điều trị bằng corticoid dài ngày; đồng thời, ta kết hợp với các thuốc bôi như sau:

Lá bí đao tươi vắt lấy nước bôi vào da đầu.

Lá vông nem 1 nắm tay, hạt mè 1 thăng: tất cả cho vào nước gạo vo nấu sôi 5 - 6 lần, bỏ bã, lấy nước gội mỗi ngày.

Lá trắc bá phơi râm, tán nhỏ trộn với dầu mè bôi mỗi ngày.

Vỏ rễ dâu 40g, lá trắc bá 40g, nấu nước gội.

Toàn thân cây mè, lá liễu, cỏ mần chầu mỗi thứ 100g ngâm nước vo gạo một đêm sau đó nấu cho chín nhừ, vứt bỏ bã cô đặc lại, trộn với hạt mè đem giã nhỏ đắp lên chỗ bị hói (bài thuốc gia truyền của lương y Lê Minh Xuân).

Rụng tóc do nấm (tinea capitis): Dùng các vị thuốc khô phàn 100g, thanh đại 30g, lưu hoàng 100g, băng phiến 1,5g, thạch cao nung 50g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn với dầu mè, bôi ngày 2 lần dùng trong 5 - 7 ngày.

Các bài thuốc dùng ngoài trị rụng tóc khác:

Bài 1: Dầu vừng 120g, đương quy 5g, tử thảo 3g, sáp ong 15g. Trước tiên, đem đương quy và tử thảo sao với dầu vừng cho đến khi khô cháy, sau đó vớt bỏ bã thuốc, bỏ sáp ong vào đun tiếp cho tan rồi dùng vải thô lọc bỏ tạp chất, để nguội cho thành dạng cao. Mỗi ngày dùng cao thuốc xoa lên vùng tóc rụng 2 lần.

Bài 2: Trắc bá diệp tươi 30g, 100ml cồn 750. Đem lá trắc bá ngâm trong cồn 7 ngày thì dùng được, lấy bông gòn tẩm dịch thuốc bôi vào nơi tóc rụng mỗi ngày 3 lần. Thông thường, sau 30 ngày tóc mới sẽ nhú lên, dài dần và chuyển màu đen; sau khoảng 3 tháng thì trở lại bình thường.

Bài 3: Hồng hoa 60g, can khương (gừng khô) 90g, đương quy 100g, xích thược 100g, sinh địa 100g, trắc bá diệp 100g. Tất cả đem ngâm với 3000ml cồn 750, sau 10 ngày thì dùng được, lấy dịch thuốc bôi vào nơi tóc rụng mỗi ngày 3 - 4 lần. Một nghiên cứu của các nhà y học cổ truyền Trung Quốc dùng trên 33 bệnh nhân, đạt hiệu quả 87,9%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần