Thương mại bán lẻ: Hơn 30 năm mới chỉ chập chững

Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua một chặng đường dài hơn 30 năm (kể từ năm 1986), thương mại bán lẻ của Việt Nam đã đi qua nhiều thời kỳ phát triển.

Từ khi xóa bỏ bao cấp những năm 1986 - 1990 đến thời kỳ hạch toán kinh doanh thương mại theo cơ chế thị trường 1991 - 1995 và thời kỳ chuyển sang phát triển thương mại hiện đại 1996 đến nay.

Thương mại nội địa góp gần 14% GDP

Cùng với việc giải quyết công ăn việc làm cho hơn 5 triệu người, có thể nói, không còn đơn thuần là kênh phân phối hàng hóa, mà từ nhiều năm qua, thương mại tiên tiến còn thông qua tiêu dùng xã hội để tác động đến sản xuất, phục vụ những tín hiệu đổi mới, phù hợp với nhu cầu của tiêu dùng ngày càng cao của xã hội Việt Nam. Với một thị trường lớn và đang có sức tăng trưởng mạnh, thương mại nội địa thời gian qua không chỉ ghi tên những DN nội như Hapro, Intimex, Coopmart, Fivimart, Citimart… gần đây là mạng lưới bán lẻ của Tập đoàn Vingroup với các chuỗi siêu thị Vinmart, Vinpro… Mà tính đến năm 2016 đã có hàng chục nhà đầu tư các nước tham gia vào lĩnh vực này. Có thể kể ra đây những “ông lớn” trong ngành bán lẻ như Metro, BigC, AEON, Lotte, Emart, Parkson, Robinson… và hiện tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ là Walmart cũng đang thăm dò để đầu tư.

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro Đông Anh.             Ảnh: Hoài Nam

Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại - một con số đáng lưu tâm trong cuộc cạnh tranh mở chuỗi bán hàng chiếm lĩnh thị phần và khách hàng của các siêu thị ngoại và siêu thị nội trên thị trường bán lẻ.

Trong khi đó, kênh bán lẻ truyền thống bao gồm chợ và các cửa hàng lẻ... trong cả nước có một số lượng chợ lớn bao gồm gần 9.000 chợ, một số chợ loại 1, loại 2 đã được cải tạo và xây dựng lại, văn minh kinh doanh trong chợ đã được cải thiện một bước.

Thách thức ngay trên sân nhà

Tuy ghi nhận những chuyển biến tích cực trong hệ thống bán lẻ trong nước nhưng trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hệ thống này cũng bộc lộ không ít hạn chế.

Thấy rõ nhất đó là trong khi chỉ có một số ít các nhà bán lẻ Việt Nam còn tiếp tục trụ vững và phát triển như Co.opmart, Vingroup, còn lại đa số các thương hiệu nội về bán lẻ hiện đại, phần thì bán bớt cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh, phần thì rút bớt địa điểm do làm ăn khó khăn hoặc thua lỗ, một phần co cụm lại, ít phát triển để củng cố thương hiệu, trụ vững ở thị trường trước sự cạnh tranh với các DN nước ngoài.

DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mặc dù có số điểm siêu thị ít hơn, song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3 - 4 lần, thậm chí đến 7 - 8 lần so với một điểm của các siêu thị nội. Điều này khiến thị phần của các DN FDI đã chiếm trên 50% doanh số tại thị trường nội. Vì thế, một xu hướng phát triển mạnh trong thời gian vừa qua cần đề cập tới đó là các phi vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa nhà bán lẻ nước ngoài với các DN bán lẻ Việt Nam.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh tại chợ và các cửa hàng lẻ của bà con tiểu thương đang có chiều hướng khó khăn hơn. Mặc dù chợ vẫn là nơi đảm nhiệm đến 70 - 75% nhu cầu tiêu dùng của các gia đình, song vẫn chưa được quan tâm đầy đủ cho xứng đáng với vị trí của nó. Đơn cử như việc tuy đã có các quyết định về quy hoạch và phát triển chợ truyền thống của Bộ Công Thương từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nhưng các điều kiện cần và đủ cho việc phát triển quy hoạch còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Cùng với kênh bán lẻ hiện đại của các DN thì chợ của các tiểu thương cũng đang gặp phải khó khăn của sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường bán lẻ cả nước.

Câu hỏi tại sao là trong khi bán lẻ ngoại lấn lướt thì bán lẻ nội dè dặt và yếu thế hơn như vậy, câu trả lời đã có: Bán lẻ Việt Nam hiện chưa có chiến lược đầy đủ, cả ở 3 cấp Nhà nước, ngành và DN. Vốn liếng quá nhỏ bé, vốn tự có của các siêu thị nội chỉ đủ 15 - 20% nhu cầu kinh doanh, lớn như Saigon Co.op chỉ có 1.000 tỷ đồng. Chính vì vậy khó đầu tư vào việc thu mua hàng hóa một cách trực tiếp của sản xuất, hàng hóa qua quá nhiều khâu trung gian bất hợp lý mới đến được quầy kệ của siêu thị nội; 60 - 70% các siêu thị nội phụ thuộc hầu hết vào vốn vay ngân hàng với lãi suất cao hơn các DN nước ngoài vay của công ty mẹ từ 4 - 5%. Điều này lý giải tại sao giá cả của các siêu thị nội thường cao hơn giá của các siêu thị ngoại trên thị trường.

Các DN bán lẻ Việt Nam nếu nhìn vào quầy hàng, kệ hàng thì cách bày biện hầu như giống nhau, không có điểm khác biệt, ít đổi mới, văn hóa kinh doanh, phục vụ khách hàng còn phải khắc phục, một số DN ít chăm lo đến công tác xây dựng thương hiệu bán lẻ theo đúng nghĩa của nó. Một số DN Nhà nước được giao nhiệm vụ kinh doanh bán lẻ và bán lẻ hiện đại có vốn quý là mạng lưới bán lẻ hình thành hàng mấy chục năm từ thời kỳ bao cấp, có vị trí rất đắc địa ở các quận trung tâm của các TP lớn thì hiện nay đã có một phần, không hiểu vì lý do gì, cho thuê, hoặc liên doanh liên kết với những mặt hàng không phù hợp với nhiệm vụ được giao. Rõ ràng với cách sử dụng mạng lưới như kể trên thì các DN Nhà nước đã tự làm yếu mình trong cuộc chạy đua cạnh tranh với các DN bán lẻ nước ngoài.

Một điểm yếu cố hữu nữa đó là: Tính cấu kết trong con người Việt nói chung và trong kinh doanh của người Việt nói riêng còn rất ít, không bền vững, dễ bị phá vỡ. “Các con thuyền nan” nhỏ ít hợp sức với nhau, do vậy không tạo thành sức mạnh tổng hợp chung, kể cả các DN đã tham gia vào các hiệp hội.

Có phần tác động không nhỏ từ chính sách

Nói như vậy không phải là các DN kinh doanh siêu thị ở Việt Nam có lỗi hoàn toàn trong sự yếu kém này, còn có một số yếu tố khách quan như: Công tác quy hoạch hệ thống bán lẻ nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng trong toàn quốc cũng như ở Thủ đô Hà Nội chưa được xây dựng một cách khoa học, thực thi yếu, thiếu các điều kiện cần và đủ cho quy hoạch thực hiện; đôi lúc tùy tiện cục bộ gây thiệt hại trước hết đối với các DN nhỏ bé của Việt Nam.

Về công tác quản lý Nhà nước, tuy đã có nhiều cố gắng trong công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết để tổ chức nguồn hàng, đào tạo cán bộ, cung cấp thông tin thị trường… song còn rất nhiều tồn tại. Đơn cử như công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, sản xuất và kinh doanh hàng giả hiệu quả chưa cao. Sự quan tâm đến hoạt động của các hiệp hội ngành nghề có liên quan đến bán lẻ còn hạn chế, nặng về quản lý theo kiểu hành chính, ít động viên, hỗ trợ thiết thực cho các hiệp hội, DN phân phối hoạt động. Việc hỗ trợ cho các địa phương trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu bán lẻ chưa được quan tâm đúng mức…

Nhìn lại ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm cho phát triển thời gian sắp tới. Ngành đang đứng trước nhiều cơ hội song cũng có rất nhiều thách thức. Trong đó thách thức nhiều hơn cơ hội, điều quan trọng là các DN có nắm bắt được cơ hội và vượt qua được thách thức hay không.

Một số siêu thị lớn có mối quan hệ với nhà cung ứng hàng hóa chưa bình đẳng như đòi hỏi chiết khấu cao, có khi lên tới 15 - 20% và lại cộng thêm một số chi phí khác làm cho hàng hóa bị đẩy giá lên cao, khó cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa, người tiêu dùng theo đó bị thiệt thòi, người sản xuất không được hưởng lợi nhuận một cách hợp lý; hàng ngon, hàng đẹp đủ tiêu chuẩn lại rất khó vào siêu thị để phục vụ người tiêu dùng, từ đó là cơ hội tốt cho sự lấn lướt của hàng ngoại…