Thương mại - Dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo của quận Cầu Giấy
Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế quận Cầu Giấy đang trên đà phát triển tiến tới ổn định, nền kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận đề ra là tăng tỷ trọng ngành Thương mại - Dịch vụ và thúc đẩy, phát triển Thương mại - Dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển kinh tế của quận.
Những con số ấn tượng
Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, với nhiệm vụ tiếp tục duy trì ổn định nền kinh tế, tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm thúc đẩy tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025, quận Cầu Giấy đã ban hành Chương trình số 02-Ctr/QU về “Phát triển kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên địa bàn quận Cầu Giấy giai đoạn 2021 - 2025” với 2 hệ thống chỉ tiêu gồm: phát triển kinh tế - xã hội (8 chỉ tiêu); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (7 chỉ tiêu).
Hoạt động mua bán tại một siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong đó, quận Cầu Giấy đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình thành 2 kế hoạch, 3 đề án và 1 hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Nhờ đó, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân trong giai đoạn này của quận đạt 10,36% (chỉ tiêu Chương trình từ 10 - 12% năm); Tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành Thương mại - Dịch vụ đạt 11,08% (chỉ tiêu Chương trình từ 11 - 13%); tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành Xây dựng – Công nghiệp đạt 9,01% (chỉ tiêu từ 9 - 11%)…
“Trong giai đoạn này, lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ tỷ trọng bình quân chiếm 65% tổng giá trị sản xuất kinh tế của quận, hoàn thành chỉ tiêu Chương trình 02 mà Quận ủy đã đề ra (chỉ tiêu đề ra từ 64 – 65,5%/năm)… Qua đó khẳnh định vai trò chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển kinh tế quận Cầu Giấy của lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ” – lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết.
Trích dẫn
Trên địa bàn quận Cầu Giấy ngoài các dịch vụ chất lượng cao thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, quận có khu công nghệ thông tin tập trung với 415 DN hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ thông tin cung cấp các sản phẩm phần mềm, linh kiện điện tử, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo; lĩnh vực ngân hàng cũng đang dần phát triển, trên địa bàn hiện có các ngân hàng lớn đặt trụ sở chính như: MB, Vietinbank, BIDV… góp phần quan trọng tăng cơ cấu của các ngành Thương mại - Dịch vụ và sự phát triển ổn định mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế.
Cùng với đó, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận cũng gặt hái được nhiều thành công. Đơn cử, thu ngân sách trên địa bàn quận trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành dự toán TP và Quận giao với 77.575/69.891 tỷ đồng, đạt 111%; Chi ngân sách đạt 8.049/10.524 tỷ đồng, đạt 76,5% dự toán TP giao trong nhiệm kỳ; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7,5%, chỉ tiêu đề ra từ 7 – 7,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 82%, chỉ tiêu là từ 80 – 85%...
Đối với công tác huy động và sử dụng các nguồn lực, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho hay, số vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn quận trong giai đoạn này đạt 59.184 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn T.Ư là 6.207 tỷ đồng; ngân sách TP là 4.865 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ các DN là 28.696 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ Nhân dân và các nguồn khác là 16.000 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách quận là 3.416 tỷ đồng, chỉ tiêu là 2.689 tỷ đồng, đạt 127,04%. Điều đáng nói, trong 3.416 tỷ đồng vốn đầu tư công đã sử dụng có 71,8% chi cho hoạt động xây dựng, cải tạo, mua sắm các trang thiết bị của trường học.
Kiến nghị xử lý các dự án chậm triển khai
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được của Chương trình số 02-Ctr/QU trên địa bàn quận, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, khi xây dựng Chương trình 02, kinh tế - xã hội của quận đang trên đà phát triển nhanh, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn quận giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,31%, trong đó ngành Thương mại - Dịch vụ là 14,47%, ngành Xây dựng - Công nghiệp là 11,15%. Thu ngân sách hằng năm tăng từ 102 - 138%.
Từ năm 2020 đến giữa năm 2021, dịch Covid -19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, số lượng DN, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, phá sản tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn. “Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân giảm mạnh, đến giữa nhiệm kỳ đạt 8,13%. Song, đến năm 2024, 2025 tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành sau thời gian phục hồi đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi đạt 10,36%. Trong đó, ngành Thương mại - Dịch vụ đạt 11,08%; ngành Xây dựng – Công nghiệp đạt 9,01%” - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh chia sẻ.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh kiến nghị T.Ư kịp thời ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn xác định giá thu tiền sử dụng đất, thúc đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất và thuê đất; sớm điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động thông qua cải cách tiền lương, tiền công.
Cùng với đó, lãnh đạo quận Cầu Giấy kiến nghị UBND TP ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; có biện pháp xử lý, giải quyết dứt điểm đối với những trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chưa đưa đất vào sử dụng theo quy định để tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Đồng thời, quận Cầu Giấy kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc UBND quận Cầu Giấy; sớm phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ công thuộc lĩnh vực giáo dục, văn hóa thông tin, thể dục thể thao phục vụ xây dựng phương án giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn quận.
Ngoài ra, quận Cầu Giấy kiến nghị UBND TP giao đủ biên chế cho các trường trên địa bàn quận. “Hằng năm, quận có các trường mới thành lập, kiến nghị phân bổ biên chế ngay từ đầu năm ngân sách, ban hành cơ chế bảo đảm nguồn kinh phí để các đơn vị sự nghiệp công lập có thể ký hợp đồng với giáo viên trong thời gian chờ tuyển dụng” – lãnh đạo quận Cầu Giấy chia sẻ.
Trích dẫn
Hiện nay, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-Ctr/QU của quận Cầu Giấy đang tập trung chỉ đạo xây dựng khu công nghệ thông tin thành trung tâm phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ về công nghệ thông tin; xây dựng dịch vụ ngân hàng thương mại tại phường Trung Hòa, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch dọc theo các tuyến đường giao thông trung tâm và tuyến đường sắt đô thị.

Cầu Giấy dự kiến còn 3 phường sau sắp xếp
Kinhtedothi - Dự kiến, sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, quận Cầu Giấy sẽ còn 3 phường so với 8 phường như hiện nay.

Quận Cầu Giấy phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025
Kinhtedothi - Ngày 22/4, UBND quận Cầu Giấy và Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Tháng Công nhân năm 2025.

Cầu Giấy: giải toả chợ “cóc” trong ngõ 100 Trung Kính
Kinhtedothi – Ngày 28/4, Ban Chỉ đạo 197 phường Yên Hoà đã phối hợp với các lực lượng chức năng quận Cầu Giấy tiến hành giải toả chợ “cóc” trong ngõ 100 đường Trung Kính.