Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử chờ bùng nổ

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc kinh doanh qua mạng hay thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng trở thành xu thế mới.

Các công nghệ nổi bật và ý tưởng kinh doanh sáng tạo được các DN lựa chọn mang đến kỳ vọng bùng nổ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh.
Thị trường tiềm năng
Tính tới cuối năm 2016, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam khoảng 4 tỷ USD, bằng 1/30 thị trường Nhật Bản. Nhưng nếu xét về tăng trưởng, Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới. Theo ông Trần Đức Tâm - Giám đốc dự án Z.com, tiềm năng của TMĐT Việt Nam rất lớn với thị phần chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến (online).

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện vào khoảng 4 tỷ USD. Ảnh: Phạm Hùng  

Tuy nhiên, ông Tâm cũng nhấn mạnh, TMĐT ở Việt Nam là bài toán niềm tin và giao hàng, việc kết nối thông tin dường như chưa đủ. “Tại Nhật, khi bạn nhận được một đơn hàng mua online thì khách hàng vẫn nhận được những ưu đãi, dịch vụ hậu mãi… như khi mua trực tiếp tại cửa hàng. Đây là điểm khác biệt mà các DN Việt Nam cần học tập”.
Sẽ bùng nổ
Thị trường TMĐT đang khá sôi động, nhất là khi hội nhập nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh tăng lên khiến các DN phải làm thật tốt, giá bán rẻ hơn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng -  Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), đây cũng là thách thức với các DN nội địa khi ngày càng nhiều đại gia nước ngoài “nhòm ngó”. Chưa kể thị trường đang bước sang giai đoạn phát triển khá nhanh, nhưng sự chênh lệch giữa các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều thách thức mới.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Tuyến - Tổng Thư ký Vecom thông tin, năm 2016, TMĐT Việt Nam đầy biến động, sóng gió, nhiều “ông lớn” dừng hoạt động như lingo.vn, deca.vn… nhưng cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều DN nước ngoài khác như AEON của Nhật, Lotte của Hàn Quốc... Tuy nhiên, ông Tuyến cho hay, để đạt được con số 4,7% như Nhật, 7,3% như Mỹ là cả chặng đường khá dài và hy vọng TMĐT của Việt Nam sẽ đạt được kết quả khả quan hơn khi tạo dựng những gói sản phẩm tốt hơn, hậu mãi tốt, website tốt và có tên miền dễ nhớ, ấn tượng...
Theo ông Hưng, sau nhiều năm “đìu hiu” (từ 2008 - 2012), TMĐT Việt Nam gần đây tốt lên đã thu hút khá tốt nguồn vốn đầu tư này. Đó chính là động lực thúc đẩy DN Việt Nam phát triển, tạo thị phần.
Ông Tuyến cũng cho rằng, một thị trường mà được nhiều “ông lớn” quan tâm, nhất là khi họ đã thành công tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc giờ họ vào Việt Nam thì đó là thị trường rất ổn và tiềm năng. Như trước đây chúng ta chưa nhìn thấy trên thị trường Việt Nam các DN TMĐT nước ngoài thì nay đã có Lotte, Lazada – Alibaba, đây là những tín hiệu vui. Và khi các ông lớn vào, DN trong nước bắt buộc phải có những chính sách cạnh tranh thay vì chỉ cạnh tranh luẩn quẩn với nhau. Từ thực tế Lazada, Adayroi, DN Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài. Và sự cạnh tranh đó sẽ mang lại 2 điều, đó là TMĐT tăng trưởng rất nhanh và người dùng có lợi, quy mô không chỉ 4 tỷ USD như hiện nay mà dự báo sẽ là 120 tỷ USD trong thời gian tới.
Với sự hỗ trợ của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) sẽ tổ chức Diễn đàn “Toàn cảnh TMĐT - VOBF 2017” tại Hà Nội vào ngày 24/2 và TP Hồ Chí Minh ngày 3/3 tới.