Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp hồi sinh sau đại dịch

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Song hành với kênh truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện TMĐT vẫn còn nhiều thách thức về chất lượng hàng hóa, thanh toán, vận chuyển... cần được giải quyết để “hồi sinh” kinh tế.

Đó là thông tin tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF 2022) có chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch” diễn ra ngày 12/5, tại Hà Nội. Diễn đàn năm nay xoay quanh việc đưa ra các giải pháp cụ thể giúp DN nhanh chóng hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng lớn và ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Thay đổi hành vi mua sắm

Tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, đây là năm thứ 7 Hiệp hội tổ chức thường niên sự kiện thương mại điện tử (TMĐT) và để lại dấu ấn là VOBF 2022. VOBF là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử trong năm tới.

“Đón đầu xu hướng TMĐT thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là những lĩnh vực chuyển đổi số, kinh doanh onilne, blockchain... diễn đàn tập trung các chủ đề như tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của TMĐT” - Chủ tịch VECOM nói.

Đại diện Nielsen Lê Minh Trang cho biết, 2 năm qua, tác động của Covid-19 đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng thương mại điện tử. Đáng chú ý, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch.

“Với sự cập nhật liên tục đổi mới phương thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng của các nhà bán hàng trong những năm qua, đến nay những lo lắng của người tiêu dùng như về chất lượng hàng hóa, độ tin cậy… dần biến mất, với tốc độ người tham gia ngày càng tăng nhanh” - doanh nhân Lê Minh Trang nói.

Bà Lê Minh Trang cho biết thêm, có 3 yếu tố then chốt khi người tiêu dùng mua sắm online mà các nhà bán hàng cần lưu ý: Giá, chất lượng và thời gian giao hàng. Do đó, để cạnh tranh, các DN cần nỗ lực hơn, thay đổi cập nhật hành vi của mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú chia sẻ kinh nghiệm tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú chia sẻ kinh nghiệm tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Còn Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam Vũ Thị Minh Tú cho biết, TMĐT đã có nhiều thay đổi lớn trong thời gian dịch. Đà tăng trưởng của ngành TMĐT đã bắt đầu từ trước đại dịch, song trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường này đã có sự tăng trưởng bùng nổ và được dự báo sẽ đạt quy mô 39 tỷ USD vào năm 2050.

Từ quan sát của Lazada cho thấy, TMĐT vẫn phát triển mạnh mẽ, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thứ nhất, thị trường còn nhiều dư địa phát triển với 71% người dùng Internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến; 94% người dùng Việt sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ số, 81% xem mua hàng trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Thứ hai, các DN đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên thương mại điện tử. Thứ ba, tầm nhìn phát triển bền vững của các DN thương mại điện tử.

Kênh chủ đạo phát triển

Cũng theo báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn TMĐT nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh TMĐT Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

TMĐT tạo đà cho DN phát triển. Ảnh: Khắc Kiên
TMĐT tạo đà cho DN phát triển. Ảnh: Khắc Kiên

Theo báo cáo này, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Và mức giá trên sàn TMĐT Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 - 5.000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn TMĐT. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín...

Các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận từ nền tảng được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã tạo đà cho DN phát triển TMĐT. Đồng thời, lĩnh vực chuyển đổi số và kinh doanh online chiếm tỷ lệ quan trọng hơn trong quản trị và vận hành DN Việt tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, hiện nay TMĐT vẫn còn nhiều thách thức, với những hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu...

Chia sẻ thông tin DN tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Chia sẻ thông tin DN tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Để chiếm lĩnh thị trường cả trong và ngoài nước, tại các phiên thảo luận của diễn đàn sẽ chú trọng cung cấp thông tin, giới thiệu những xu hướng giải pháp và công nghệ nổi bật; tiềm năng thị trường, những xu hướng giải pháp và công nghệ, những chính sách và quy định pháp luật mới... đến cơ quan, tổ chức và DN nhằm giúp thị trường TMĐT "hồi sinh" sau đại dịch.

Chia sẻ thêm bên lề sự kiện, Giám đốc Đối ngoại Lazada Vũ Thị Minh Tú cho biết thêm, có thể nói DN hoạt động được 10 năm tại Việt Nam với nỗ lực xây dựng hệ sinh thái TMĐT dựa trên trụ cột chính là công nghệ và logistics và đó là chiến lược lâu dài, nhất là đã phát huy hiệu quả để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Ngoài ra, đó cũng là công cụ để hỗ trợ DN Việt lên sàn, kinh doanh online một cách dễ dàng, hiệu quả hơn, tăng được tương tác với tệp khách hàng tiềm năng. Cũng như có công cụ để quản lý gian hàng một cách chuyên nghiệp. Thông qua các hoạt động như vậy các DN sẽ góp phần phát triển TMĐT và phục hồi kinh tế nói chung.

Cần phải nói rằng, thời kỳ đầu của TMĐT, người tiêu dùng khi lên sàn sẽ tìm kiếm sản phẩm có giá trị thấp, nhỏ lẻ bởi lòng tin và sự hiểu biết về mua sắm TMĐT chưa nhiều. Tuy nhiên, gần đây đã có sự dịch chuyển bằng việc quan tâm của khách hàng với uy tín của nhà bán hàng, chất lượng sản phẩm đã tăng lên rõ rệt.

Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, TMĐT là biện pháp tiếp cận kinh tế - xã hội, đã minh chứng trong thời gian vừa qua, nhất là trong dịp giãn cách xã hội vì Covid-19 giúp cho giao thương thuận lợi hơn. Song hành với kênh truyền thống, TMĐT đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế. VECOM đã kết hợp với các địa phương để phát triển, ứng dụng TMĐT vào các ngành hàng để lan tỏa, từ giao hàng, mua sắm, đến giáo dục từ xa. Chắc chắn thời gian tới, nhận thức, cũng như thói quen sẽ thay đổi.

“Từ bà nội trợ ở nhà có thể đi chợ thông qua sàn TMĐT sẽ nhận thấy được tiện ích của mua sắm, tiềm năng mua bán hàng. Qua đó sẽ kích cầu, cùng như phát triển TMĐT phù hợp với xu hướng chúng của thế giới. Năm 2023, VECOM sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ đào tạo cho khoảng 500.000 thanh niên kinh doanh về TMĐT” - ông Nguyễn Ngọc Dũng dẫn dụ.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết thêm, tiêu dùng xanh là xu hướng tiêu dùng thông thái với việc các DN làm ra các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng tích cực hưởng ứng. Khi đó sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các DN phát triển.

Hiện các văn bản pháp lý, chính sách đã khá là hỗ trợ cho phát triển TMĐT. Tuy nhiên, việc kinh doanh, mua sắm chưa có nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi, nên góc độ quản lý Nhà nước cần nhìn nhận đây là việc doanh có sản phẩm hữu hình, kỹ thuật số có hàm lượng tri thức, công nghệ cao để có sự hỗ trợ, ưu đãi lớn, chứ không phải là hoạt động mua bán truyền thống.

 

Tại VOBF 2022, Báo cáo “Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2022” vừa được công bố cho thấy, chỉ có 18% DN có sử dụng website/ứng dụng TMĐT để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Tỷ lệ này trong nhóm DN lớn cao gấp đôi so với nhóm DN vừa và nhỏ.

Về giao dịch TMĐT DN với DN (B2B), các kênh như mạng xã hội, sàn TMĐT hay website của DN đang dần trở thành kênh chính để nhận đơn đặt hàng từ các khách hàng.

Đặc biệt, thông qua các nền tảng di động, khảo sát năm 2021 cho thấy có tới 88% DN nhận đơn đặt sản phẩm qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021 DN tiếp tục cắt giảm chi phí ở mức tối đa để duy trì hoạt động.