Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử muốn phát triển phải bảo vệ người tiêu dùng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, do các quy định pháp lý chưa theo kịp thực tế, đã ảnh hưởng niềm tin và quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong giao dịch trên không gian mạng.

Vì vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 hướng tới mục tiêu nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam Vũ Văn Trung trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam Vũ Văn Trung.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam Vũ Văn Trung.

Theo đánh giá của các tổ chức thương mại quốc tế, thị trường TMĐT Việt Nam trong những năm qua đã có những tăng trưởng ấn tượng, riêng năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD. Ông nhìn nhận thế nào về tiềm năng phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam, thưa ông?

- TMĐT Việt Nam trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, TMĐT đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của NTD, trở thành công cụ, phương thức kinh doanh quan trọng giúp nhiều DN, cá nhân vượt qua khó khăn, thậm chí là có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn trong và sau đại dịch.

Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2023, đà tăng trưởng của ngành TMĐT đã bắt đầu từ trước đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng trung bình 25 - 28%/năm, song trong giai đoạn 2020 - 2021 có phần chững lại (16 - 18%/năm). Tuy nhiên, trong 2 năm qua thị trường TMĐT đã có sự tăng trưởng bùng nổ và vươn lên mạnh mẽ, trong đó doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam năm 2023 tăng 25% so với 2022, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Số lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam 2023 đã đạt gần 61 triệu người và ước tính mỗi người chi tiêu cho mua sắm 336 USD/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng cho TMĐT và những công nghệ mới trong đã được triển khai và Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Không phủ nhận TMĐT giúp NTD mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn, song NTD cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, mua phải hàng giả, hàng nhái. Số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) cho thấy trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của NTD liên quan giao dịch online.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ quyền lợi NTD, Chính phủ dù đã xây dựng hệ thống pháp luật nhưng chưa ngăn chặn triệt để hiện tượng lừa đảo, bán hàng kém chất lượng. Phải chăng do pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của TMĐT dẫn đến quyền của NTD liên tục bị xâm hại thưa ông?

- Bảo vệ NTD là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác này, bởi vì bảo vệ NTD chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.

Ở Việt Nam, ngày 27/4/1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ NTD. Đây có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ NTD ở nước ta, qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác này.

Ngoài ra, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD còn được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Dân sự, Luật thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Đặc biệt, từ năm 2010, chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng nẩy sinh một số vương mắc như: những quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi chưa được cụ thể, đồng thời các quy định về bảo vệ quyền lợi NTD trên không gian mạng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, theo ông, đâu là những quy định tiến bộ, đặc biệt đáng chú ý của dự luật này?

- Để bảo vệ NTD trên môi trường thương mại điện tử Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm. Cụ thể, cấm thực hiện hành vi ngăn cản NTD kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; cấm hành vi yêu cầu NTD phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của NTD…

Đặc biệt, luật đã bổ sung một điều về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD trong giao dịch trên không gian mạng. Theo đó, luật và văn bản hướng dẫn đã xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch trên không gian mạng.

Luật năm 2023 đã bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD trong việc công khai các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.

Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với NTD, nhất là đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch...

Như vậy, có thể thấy các quy định về bảo vệ quyền lợi NTD trong TMĐT tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2023 đã kịp thời bổ sung các căn cứ pháp lý để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, để không chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả mà còn bảo đảm tính dự báo, có khả năng điều chỉnh các vấn đề có xu hướng phát sinh trong quá trình bảo vệ quyền lợi NTD.

Để nâng cao vai trò bảo vệ người tiêu dùng, theo ông, DN cần phải có chính sách và thay đổi như thế nào?

- Cộng đồng DN gồm các nhà sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ về vấn đề này. Bởi nếu không có người tiêu dùng sẽ không có sản xuất kinh doanh. Đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, do vậy DN sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ về điều đó để đáp ứng tốt hơn quyền lợi NTD đặc biệt là thông tin.

Thực tế cho thấy, nhiều khi thông tin không đến được với NTD, bởi chính nhà sản xuất cung cấp không đầy đủ, thậm chí “lừa dối” NTD. Do đó các nhà sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ, tuân thủ quy định để đảm bảo lợi ích NTD qua đó tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù cơ quan chức năng đang tăng cường lấp lỗ hổng pháp lý, tuy nhiên NTD cần tự nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm bảo về quyền lợi khi mua sắm sản phầm, hàng hóa, dịch vụ... Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Toàn cầu hóa là xu thế của thời đại, chúng ta muốn phát triển thì phải hội nhập, đây là điều tất yếu và gắn kết với nhau. Mặt tích cực của toàn cầu hóa là việc NTD có cơ hội mua sắm đa dạng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cũng theo đó là sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi NTD phải có kiến thức và nhận thức cao để lựa chọn đúng, tránh rủi ro về chất lượng và an toàn.

NTD Việt Nam đang ngày càng tỏ ra thông thái và yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và quyền lợi của mình. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chính họ cần sẵn sàng tâm thế để hiểu biết về những quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với NTD, đòi hỏi họ phải tự nâng cao kiến thức để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình trong thị trường toàn cầu.

Để hạn chế thấp nhất các rủi ro, nhất là khi mua hàng trên không gian mạng, NTD nên tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Xin cảm ơn ông!