Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử Việt Nam: Thời của thị trường ngách

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2022, thị trường thương mại điện tử Việt Nam liên tục đón nhận những khoản đầu tư triệu USD. Tuy nhiên số tiền này thay vì rót cho những tên tuổi lớn như Shopee hay Lazada thì lại có điểm đến là các dự án tập trung khai thác mảng ngách của lĩnh vực.

Đi vào thị trường ngách

Trong vài năm trở lại đây, thương mại điện tử (TMĐT) được coi là cấu phần quan trọng của kinh tế Việt Nam nói chung, và là trụ cột cực kỳ quan trọng của nền kinh tế số đang ở trong giai đoạn đầu phát triển nói riêng. Ở mảng này, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu tại Đông Nam Á cả về doanh thu lẫn số vốn được rót vào.

Các sàn ngoại như Shopee và Lazada đang thống trị TMĐT Việt
Các sàn ngoại như Shopee và Lazada đang thống trị TMĐT Việt

Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2021, TMĐT B2C (doanh nghiệp - cá nhân) của Việt Nam đạt xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng trưởng lên đến 17% so với năm ngoái cũng như chiếm 6% tổng mức tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sang năm 2022, TMĐT được dự báo tiếp tục tăng trưởng và đạt mốc 52 tỷ USD vào năm 2025. Với con số này TMĐT của Việt Nam sẽ đứng thứ 3 tại khu vực ASEAN.

Trên thực tế, TMĐT Việt vẫn đang được thống trị bởi 4 tên tuổi lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Trong đó chỉ riêng Shopee đã nắm giữ 72% thị phần, Lazada với 20,9%. Số phần % ít ỏi còn lại thuộc về Tiki, Sendo và phần còn lại.

Tuy nhiên, với một thị trường đầy tiềm năng như TMĐT Việt Nam, vốn vẫn liên tục được rót vào cho các thương hiệu nhỏ và ít tên tuổi hơn. Từ đầu năm 2022, một xu hướng đầu tư cho TMĐT là đi vào thị trường ngách đã nổi hẳn lên, và đây được dự báo thành xu thế cho lĩnh vực này trong thời gian tới.

Có thể kể đến như Coolmate, một thương hiệu thời trang trên nền TMĐT, vào tháng 5/2022 đã nhận được khoản đầu tư 2 triệu USD từ Access Ventures. Được thành lập từ 2019, Coolmate đã đi theo mô hình TMĐT D2C (cung cấp sản phẩm trực tiếp qua kênh trực tuyến) nhằm cắt giảm chi phí phân phối trong bán lẻ truyền thống.

Hay như vào tháng 2/2022, dự án TMĐT OpenCommerce Group (OCG) đã huy động được 7 triệu USD từ kỳ lân công nghệ của Việt Nam - VNG và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures. Khác với các sàn TMĐT lớn, OCG tập trung vào việc trợ giúp người bán có thể bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng mà không cần đầu tư hàng hóa lưu kho hay lo lắng đến các khâu quản lý vận hành phức tạp.

Tuy nhiên thương vụ đình đám nhất phải kể đến Mio - một nền tảng TMĐT qua mạng xã hội. Vào ngay đầu năm 2022, dự án này huy động được 8 triệu USD từ quỹ đầu tư Jungle Ventures. Hướng đi chính của Mio là mua bán hàng hóa nông sản và hàng tiêu dùng nhanh cho các thành phố cấp 2 và 3 tại Việt Nam.

Ngoài ra cũng phải kể đến hàng loạt dự án khác tương tự, như Selly nhận 2,6 triệu USD, FoodMap được đầu tư 2,9 triệu USD, Aemi có 2 triệu USD và SoBanHang nhận khoản tiền lên đến 2,5 triệu USD… Đặc điểm chung của tất cả dự án này là đi vào một ngách riêng chưa có ai tiên phong, hoặc rất ít tên tuổi lớn tập trung khai thác, từ đó tạo lợi thế cho mình.

Tránh lớn, chọn nhỏ

Rõ ràng có thể thấy, trong lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam, việc qua mặt những cái tên như Shopee và Lazada là điều bất khả thi. Bởi TMĐT gần tương tự như một mô hình kinh doanh “đốt tiền”, ai “đốt” nhiều hơn người đó sẽ thắng, và Shopee cùng Lazada không bao giờ thiếu tiền. Do đó việc chọn một thị trường ngách tuy doanh thu sẽ ít hơn, nhưng lại là hướng đi an toàn hơn so với việc đấu trực tiếp cùng những tên tuổi lớn.

Theo CEO Coolmate Nhu Phạm để bán được một sản phẩm bằng TMĐT, cần tập trung vào giá trị cơ bản của nó và lấy người dùng là trung tâm. Càng khiến sản phẩm đơn giản bao nhiêu từ khâu tiếp thị, trải nghiệm… thì sản phẩm đó càng dễ đến tay người dùng. Đây là hướng đi mà các sàn TMĐT lớn làm chưa thực sự tốt và được Coolmate lựa chọn làm tôn chỉ.

Thay vì đầu tư dàn trải Coolmate đã tập trung vào một ngách của TMĐT
Thay vì đầu tư dàn trải Coolmate đã tập trung vào một ngách của TMĐT

Với TMĐT, Coolmate xác định đây là mô hình sinh lời chứ không phải “đốt tiền” cho quảng cáo để thu hút khách hàng bằng mọi giá. Phần lớn chi phí sẽ được dùng để nâng cao trải nghiệm của khác hàng. Ngoài ra, khác với Shopee hay Lazada, Coolmate hoàn toàn chủ động về nguồn hàng khi nắm giữ ngay từ khâu sản xuất, do đó khách hàng sẽ yên tâm hơn khi sở hữu sản phẩm.

Được biết, mô hình kinh doanh của Coolmate cũng khá độc đáo khi chỉ tập trung vào các sản phẩm thời trang dành cho nam giới, với những món đồ cơ bản hàng ngày. Thêm vào đó chính sách có thể đổi trả hàng trong vòng 60 ngày được xem là nước đi táo bạo, giúp dự án TMĐT này trở nên khác biệt cũng như thu hút khách hàng nhiều hơn.

Chính việc tập trung vào khai thác một ngách nhỏ của TMĐT đã mang tới thành công cho Coolmate. Được thành lập từ 2019 với chỉ hơn 2.000 đơn mỗi tháng, đến nay Coolmate đã có đến hơn 10.000 đơn mỗi ngày. Trong đó tỷ lệ khách hàng cũ chiếm con số kỷ lục - 50%. Dự kiến trong năm 2022, Coolmate sẽ đạt mốc doanh thu 19 triệu USD.

Nói về lựa chọn của các sàn TMĐT mới khi đi theo thị trường ngách, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Đoàn cho rằng, đây là hướng đi đúng. Các sàn TMĐT nhỏ hoặc mới muốn cạnh tranh trực tiếp với Shopee cùng Lazada là điều không thể. Chỉ có lựa chọn một mảng nào đó mà các sàn lớn chưa làm, hoặc làm chưa thực sự tốt thì tại đó mới có cơ hội phát triển.

Hiện tại, một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều người không sử dụng TMĐT nói chung và các sàn như Shopee hay Lazada nói riêng, chính là niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Do đó việc công bố cũng như cam kết chất lượng, hoặc thậm chí cho đổi trả lại sẽ là một điểm cộng và giúp dự án TMĐT thu hút thêm khách hàng.

Không chỉ vậy, còn nhiều lĩnh vực mà các sàn TMĐT chưa thực sự chú trọng, như cung ứng sản phẩm nông nghiệp trực tiếp từ người nông dân đến người dùng, sản phẩm tự sản xuất có đảm bảo chất lượng… hoặc thậm chí các giải pháp công nghệ giúp người bán giảm tải chi phí vận chuyển và quản lý giao nhận hàng cũng là một lợi thế.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Đoàn, trong quá khứ hầu hết trang TMĐT của Việt Nam phải đóng cửa như Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn… đều có một điểm chung là mảng kinh doanh quá rộng và dùng tiền để hút khách hàng. Do đó các dự án TMĐT hiện nay cần đi theo cách chậm mà chắc, không đầu tư dàn trải, thay vào đó tập trung cho sản phẩm cũng như trải nghiệm khách hàng, điều đó sẽ tạo ra niềm tin cho người mua.

''Ở Việt Nam, Tiki cũng chính là tấm gương điển hình của một sàn TMĐT thành công đi lên từ thị trường ngách. Khởi đầu với việc bán sách trực tuyến, khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như chăm sóc khách hàng luôn là điểm mạnh của sàn này. Và tới hiện tại Tiki đã trở thành một trong những sàn TMĐT đa dịch vụ hàng đầu trong nước'', vị chuyên gia chia sẻ thêm.