Vận hành “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội”Cuối năm 2018, Bộ Công Thương phối hợp UBND TP Hà Nội đã tổ chức chương trình Online Friday để khuyến khích người dân trải nghiệm với hình thức mua sắm hiện đại này. Dù hệ thống bán hàng này được kích hoạt chính thức lúc 0 giờ đêm nhưng chỉ 6 tiếng sau đó, hệ thống đã có 164.000 đơn hàng đặt thành công. Số lượng người truy cập trung bình lên tới hơn 54.000 người/giây. Một vài con số trên đã cho thấy, sức hút của TMĐT đang ngày càng tăng, DN đang đẩy mạnh phát triển mảng TMĐT. Khảo sát 1.000 DN của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy có 61% DN đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, hơn 50% số DN tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ TMĐT chiếm từ 30 - 50% tổng doanh thu của DN.Hiện, TP Hà Nội đã tiếp nhận và chấp thuận cho 8.818 website/ ứng dụng ứng dụng TMĐT hoạt động trên địa bàn. Trong 5 năm gần đây, Hà Nội luôn là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT, riêng năm 2018 chỉ số TMĐT Hà Nội đạt 94,2 đứng đầu trong cả nước. Năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội đạt 509 nghìn tỷ đồng trong đó doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2018 trên địa bàn Hà Nội chiếm 7%. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Nhằm đẩy mạnh phát triển TMĐT, năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã đưa vào vận hành chính thức website “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” tại địa chỉ: http://bandomuasam.hanoi.gov.vn, qua đó cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, vị trí mạng lưới máy bán hàng tự động... có uy tín trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích các DN thành lập các website, ứng dụng TMĐT, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã QR trong thanh toán trực tuyến để thuận tiện trong việc mua sắm, bảo mật thông tin.Khuyến khích khởi nghiệp từ thương mại điện tửNhằm đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng hướng văn minh, hiện đại, hạn chế sử dụng tiền mặt ngành công thương Hà Nội khuyến khích khởi nghiệp từ TMĐT qua đó đặt mục tiêu đến năm 2020, doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TP; 100% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Thực tế cho thấy để đạt mục tiêu này, thời gian qua, TP Hà Nội cũng lắp đặt một loạt hệ thống máy bán hàng tự động xung quanh Hồ Gươm phục vụ khách du lịch và người dân qua đó đã hạn chế được tình trạng người dân phải đi mua đồ uống từ những hàng rong với giá cao. Sau khi hệ thống bán hàng tự động đi vào hoạt động, người dân cũng phản ánh, mua hàng trên máy bán hàng tự động rất tiện ích, dễ dàng, đặc biệt hiện tượng hàng rong buôn bán mời chào khách tại phố đi bộ đã giảm hẳn.Nhằm đẩy mạnh phát triển TMĐT qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra Quyết định số 3672/QĐ-UBND phê duyệt Mạng lưới máy bán hàng tự động đặt tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP đến hết 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành khoảng 1.000 máy bán hàng tự động tại các địa điểm công cộng như công viên, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga. Để hỗ trợ nông dân, DN quảng bá tiêu thụ nông sản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND về việc phát triển chợ TMĐT tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, TP Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020. Trong năm 2019, triển khai mỗi quận từ 3 - 5 điểm giới thiệu Chợ TMĐT, năm 2020 mở rộng phát triển trên các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Đảm bảo 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi trên địa bàn TP Hà Nội được giới thiệu, quảng bá thực hiện các nội dung giao dịch và thanh toán điện tử trên Chợ TMĐT.Việc UBNDTP Hà Nội và Sở Công Thương khuyến khích khởi nghiệp từ TMĐT đang mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ rút ngắn khoảng cách với các DN lớn, nhờ vào tính cạnh tranh bình đẳng và linh hoạt của môi trường kinh doanh số. Nhưng để làm được điều này bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi các DN cần đổi mới cách tư duy, xây dựng những mô hình kinh doanh mang tính sáng tạo và đầu tư hệ thống hậu cần mạnh với lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng, đề cao chữ tín trong kinh doanh.