Ngày 22/2, thông tin với báo chí về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết: Do Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn khó khăn về tài chính nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất trong thời gian vừa qua, hiện đang chạy ở mức 55 - 60% công suất.
Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (KDXD) trong nước tháng 2 đã giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43% (kế hoạch giao là 680.000m3 nhưng thực tế giao 390.000m3; trong đó, xăng giảm 18% và dầu DO giảm 57%).
Dự kiến tháng 3/2022, nhà máy cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch tháng (thực tế chỉ giao 540.000m3, trong đó xăng giảm 5% và dầu DO giảm 30%). Hiện, nhà máy chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.
Đối với nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 nâng lên 105% nên sẽ cấp cho thị trường 300.000m3 xăng và 300.000m3 dầu mỗi tháng. Nhưng mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.
Theo báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng tồn kho xăng dầu tại các DN hiện ở mức 1,2 triệu m3 (tính đến ngày 20/2) trong đó gồm 500.000m3 xăng và 700.000m3 dầu. Dự kiến lượng nhập khẩu từ nay đến hết tháng 2 khoảng 650.000m3 xăng dầu các loại, đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Bộ Công Thương cho biết, sang tháng 3/2022, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và 3.
Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang vẫn bảo đảm, cùng với việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15/3 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời, các thương nhận đầu mối cũng tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp sự thiết hụt từ sản xuất trong nước nếu Nhà máy Nghi Sơn không bảo đảm lượng cung ứng.
Ông Trần Duy Đông cũng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối đang đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước.
Nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký, hiện, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện nhập khẩu thêm và dự kiến cuối tháng 2/2022 sẽ về khoảng 66.000m3 xăng, dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập khẩu 300.000m3 xăng dầu; Công ty Hải Hà nhập khẩu khoảng 90.000m3 dầu; Công ty Xuyên Việt Oil nhập khẩu 80.000m3 xăng dầu; Công ty Nam Sông Hậu nhập khẩu 27.500m3 xăng, dầu; Công ty Long Hưng nhập khẩu 20.500m3 xăng, dầu …
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2/2022 của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000m3, tăng hơn 60% so với các tháng bình thường. Trong những ngày cuối tháng 2, sẽ tiếp tục nhập khẩu về thêm khoảng 600.000m3.