Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thưởng Tết bằng hiện vật: Người lao động thiệt đơn, thiệt kép?

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện thưởng Tết cho người lao động (NLĐ) bằng hiện vật đang “nóng” các diễn đàn. Trong đó, nhiều chuyên gia đề nghị cần có quy định rõ ràng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho NLĐ với quy định thưởng Tết bằng hiện vật.

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long rút tiền lương từ cây ATM. Ảnh: Phạm Hùng
Lạ đời, thưởng Tết là phân bón, thuốc trừ sâu
Theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp – Phó Trưởng Ban soạn thảo BLLĐ năm 2019 giải thích: Quy định thưởng mới nhằm đáp ứng xu thế thực tế trong nước và quốc tế. Do vậy, ngoài tiền mặt, các DN còn có nhiều hình thức khuyến khích NLĐ như thưởng cổ phiếu, tour du lịch, tủ lạnh, ti vi, ô tô, xe máy...
Tuy nhiên, quy định mới này khiến không ít NLĐ băn khoăn bởi thực tế những năm qua, đã có những DN thưởng Tết cho NLĐ bằng hiện vật là gạch, dép, phân bón, khăn mặt... không phù hợp để sử dụng trong dịp Tết, mang bán rẻ cũng khó có người mua. Lại có những DN lợi dụng thưởng Tết để thanh lý những sản phẩm sắp hết hạn sử dụng đang tồn kho. Nhiều năm gắn bó với NLĐ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Vũ Quang Thọ nêu quan điểm: Tôi đồng ý nếu chủ DN tặng hiện vật tặng cho NLĐ là sản phẩm tốt, dễ bán được. Nhưng khảo sát của chúng tôi, phần lớn sản phẩm thưởng là đồ không tốt. Chẳng lẽ, một DN sản xuất quan tài cũng thưởng cho NLĐ thứ này?
“Thực tế, đã có những DN thưởng quần đùi, áo lót, NLĐ có thể giữ lại để dùng. Nhưng có nơi, chủ sử dụng lao động lại thưởng phân bón, thuốc trừ sâu; đành rằng dùng trên đồng ruộng nhưng ở mức vừa phải, chứ không thể tràn lan. Có nhiều công nhân than phiền bị chủ sử dụng biến thành người tiêu thụ sản phẩm...” – ông Thọ dẫn chứng. Không chỉ thế, khi NLĐ mang sản phẩm đi bán, giá tiền thu về thấp hơn nhiều so với định giá tiền thưởng. Ví dụ, một NLĐ làm ở nhà máy đường kính, dịp Tết được thưởng 50 kg, trị giá 2,5 triệu đồng; tuy nhiên khi mang bán chỉ được 1,5 triệu đồng. Như vậy, thưởng Tết bằng hiện vật, NLĐ luôn thiệt đơn, thiệt kép. 
Nên thưởng Tết bằng tiền mặt
Trao đổi với phóng viên về câu chuyện thưởng cho NLĐ, Phó Trưởng ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nêu rõ quan điểm muốn DN thưởng Tết hoàn toàn bằng tiền. “Một trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, nếu người sử dụng lao động thưởng tiền sẽ là động lực để NLĐ gắn bó với công ty, tạo cơ hội tăng năng suất lao động. Trong trường hợp DN trả thưởng bằng hiện vật như voucher đi du lịch, trái phiếu...phải thỏa thuận với NLĐ. Và giá trị sản phẩm phải bảo đảm bằng hoặc cao hơn quy định số tiền thưởng mới có ý nghĩa. Theo ông Lợi, khi chủ DN trả thưởng bằng hiện vật, NLĐ có quyền nhận hoặc không. Nếu chủ sử dụng lao động ép phải nhận, tổ chức đại diện công đoàn ở đó phải bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Nếu tổ chức công đoàn không thực hiện được vai trò của mình, lúc đó cơ quan quản lý Nhà nước, thanh tra lao động phải có trách nhiệm.
Cho rằng thưởng bằng hiện vật có giá trị trong dịp Tết đó là điều bình thường, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Hữu Dũng nói: Nếu DN khó khăn tiêu thụ sản phẩm, không có nguồn trả lương mà thưởng hiện vật sản xuất là không được. Do đó, cần phải xem xét tình hình sản xuất, kinh doanh của DN có lợi nhuận thế nào. Điều này, DN phải công khai và tổ chức công đoàn ở đó thực hiện giám sát. Ngay cả khi DN thưởng sản phẩm có giá trị cũng phải tham khảo ý kiến NLĐ và thỏa thuận với tổ chức Công đoàn. Mặc dù, khoản 2, Điều 104, BLLĐ năm 2019 quy định: Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
Tuy nhiên, ông Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn đề nghị, cần có quy định rõ ràng về việc người sử dụng lao động trích bao nhiêu phần trăm trong doanh thu để thưởng; thưởng tiền hay hiện vật phải có ý kiến của NLĐ thông qua đàm phán với Chủ tịch công đoàn cơ sở có ủng hộ hay không, chứ không phải thích thưởng gì cũng được. Nếu không có thể DN sẽ thưởng thuốc sâu, quan tài cho NLĐ.