Thời điểm công bố mức thưởng Tết năm ngoái, trong khi TP.HCM gây sốc với mức thưởng “khủng” là 532 triệu đồng thì Hà Nội lại làm nhiều người “sững sờ” khi mức cao nhất chỉ là 72,9 triệu đồng. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp (DN), việc giữ được mức thưởng như năm ngoái là điều khó có thể thực hiện. “Bằng một nửa năm trước” Tại TP.HCM, thông tin từ một số LĐLĐ quận, huyện cho biết, hiện đã có nhiều DN báo cáo tình hình trả lương, trả thưởng cho NLĐ. Cụ thể, tại Q.Bình Tân, tính đến 23.11 đã có 24 DN sử dụng trên 300 LĐ báo cáo với mức thưởng bình quân 6 triệu đồng/người; thời gian trả thưởng từ ngày 16 – 18/1/2012. Còn với những đơn vị có trên 80.000 công nhân như tại Công ty TNHH Pou Yeun Việt Nam (KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân) thì việc công bố kế hoạch lương, thưởng Tết sớm để NLĐ yên tâm làm việc là điều rất quan trọng. Do vậy, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ công ty cho biết, dự kiến cuối tuần này công ty sẽ có kế hoạch cụ thể.
Trong khi đó, tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc, Giám đốc Công ty Sông Đà 7.07 cho biết, tuy chưa có thông báo lương thưởng chính thức, nhưng với tình hình làm ăn ảm đạm cũng sẽ kéo theo nhiều khoản chế độ trong năm sụt giảm. “Nhiều khả năng thưởng Tết năm nay chỉ đạt bằng nửa năm ngoái”, ông Khắc nói. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều DN gặp khó khăn, các nhà nhập khẩu cũng giảm bớt số lượng đơn hàng. Do vậy, dự kiến mức thưởng Tết năm nay khá lắm cũng chỉ như năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, do hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, thời gian qua không tiếp cận được nguồn vốn nên dự án triển khai bị hạn chế. “Nếu gồng mình, DN cũng chỉ hoàn thành được khoảng 94 - 95% kế hoạch”, ông Tuân nói và cho biết do chưa quyết toán quý IV/2011 nên công ty vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết. Tuy nhiên, đơn vị này đang cố gắng bố trí thưởng Tết tương đương năm 2010, mỗi cán bộ, nhân viên được thưởng Tết một tháng lương, bình quân 3 - 5 triệu đồng. Thưởng ít vì không lợi nhuận TS Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cho rằng đây là thời điểm các DN “ngấm đòn” do hậu quả lạm phát thời gian trước đó. Thêm vào đó, trong quý I năm 2011, Ngân hàng Nhà nước có đến 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất với mức độ khác nhau nhằm kiềm chế lạm pháp. Do vậy, với DN, khối sản xuất kinh doanh, thời điểm họ vay với lãi suất lên tới 20%/năm đã tới ngày phải trả. Việc hàng ngàn DN đã phải phá sản cho thấy rõ năm 2011 là năm đầy sóng gió. Với khối ngân hàng, do huy động vốn với lãi suất cao, đến nay nhà nước lại hạ mức lãi suất cho vay. “Vì vậy, theo tôi mức lương, thưởng Tết chắc chắn sẽ không được duy trì như năm ngoái”, ông Đạm cho biết. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh cũng chia sẻ, năm 2011 là năm thật sự khó khăn đối với ngành ngân hàng. Mọi năm, các ngân hàng đều căng thanh khoản vì cho vay nhiều để phục vụ thanh toán cuối năm, nhưng giờ thì ngược lại, không cho vay ra nhưng thanh khoản còn căng hơn vì phải lo trả tiền cho khách đến rút, thậm chí phải đi vay liên ngân hàng để thanh toán tạm thời. “Hoạt động khó khăn, lấy đâu ra lợi nhuận để mà thưởng to như những năm trước được”, vị này cho hay.