Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường Tín phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2020

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến thời điểm này, người dân và cán bộ huyện Thường Tín đang ra sức hoàn thiện các tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2020. Điều này thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, kết quả đạt được, đem lại niềm phấn khởi cho người dân nơi đây.

 Đồng chí Kiều Xuân Huy - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo.
Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Thường Tín ban hành kế hoạch và hàng loạt văn bản chỉ đạo cụ thể hóa Chương trình 02. Nhờ có sự quyết liệt chỉ đạo nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên toàn địa bàn. Thể hiện rõ nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan với chính quyền cấp cơ sở giúp 100% các xã được UBND huyện phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng NTM từ năm 2012. Từ đây, mạng lưới đường giao thông được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hàng trăm công trình được cải tạo, nâng cấp, xây mới. Hệ thống đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 98%. Đường trục liên thôn, xóm cơ bản đã được cứng hóa. Hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh với hơn 1.000 công trình lớn, nhỏ được đưa vào khai thác, phục vụ sản xuất (SX) nông nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân.

Bước đầu xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Quá trình triển khai phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo. Đồng thời, nghiên cứu kỹ chủ trương, văn bản của T.Ư và TP để từ đó chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng quy định. Mặt khác, tăng cường huy động các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được 1.266.072 triệu đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Nhờ đó, đã có 24/28 xã được TP công nhận đạt chuẩn NTM.

Không chỉ có vậy, số diện tích rau màu được công nhận vùng đủ điều kiện SX rau an toàn tăng 355ha, rau màu chủ lực xã Tân Minh, rau ăn lá, ăn củ, quả xã Hà Hồi, Thư Phú… Hiện, TP và huyện đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho 8,5ha vùng SX rau an toàn tại xã Hà Hồi. Tập trung chăm sóc 327,3ha cây ăn quả như cam canh, bưởi diễn, nhãn chín muộn xã Chương Dương, Tự Nhiên, Thư Phú. Huyện còn quan tâm, chỉ đạo các xã phát triển 1.067ha ao, hồ làm mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Nghiêm Xuyên, Lê Lợi… và mô hình cá sông trong ao ở xã Tiền Phong. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn đạt trên 90%, với 89,47% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm. Đã có 28/28 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,53%. Rác thải sinh hoạt tại các thôn, xóm hàng ngày được thu gom, chuyển đi xử lý tại điểm tập trung của TP.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chương trình xây dựng NTM. Huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, nhất là nguồn huy động xã hội hóa và Nhân dân đóng góp. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, rà soát, bố trí nguồn vốn các dự án trọng tâm, trọng điểm để xây dựng NTM. Tập trung phát triển SX, xây dựng các mô hình liên kết gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vận dụng trong SX. Phấn đấu hết năm 2019, 4 xã còn lại là Hòa Bình, Tiền Phong, Thư Phú, Lê Lợi đạt xã chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Đưa tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 93%. Và, mục tiêu cuối cùng phấn đấu đến năm 2020 Thường Tín sẽ về đích huyện NTM.