Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thường Tín phát huy thế mạnh “đất trăm nghề”

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Được mệnh danh là vùng "đất trăm nghề", trải qua hàng trăm năm, đến nay nhiều làng nghề truyền thống của huyện Thường Tín đã, đang phát huy được giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử, đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho địa phương.

Tín hiệu vui

Nhắc đến làng nghề của Thường Tín không thể không kể đến làng nghề gỗ xã Vạn Điểm. Là người có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Hoàng Kỳ Tài, thôn Vạn Điểm chia sẻ: Với khoảng 2.000m2 nhà xưởng, đến nay sản phẩm đồ gỗ của anh xuất bán đi khắp các tỉnh, TP trong cả nước. Hằng năm, xưởng gỗ của anh xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm các loại, doanh thu hàng chục tỷ đồng và tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Theo thống kê của UBND xã Vạn Điểm, toàn xã có hơn 2.200 hộ, trong đó có 70% hộ làm nghề gỗ, đóng góp 70% tổng thu nhập của xã.

Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái. Ảnh: Nguyễn Trường
Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái. Ảnh: Nguyễn Trường

Không chỉ Vạn Điểm, xã Vân Tảo nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh. Theo Chủ tịch UBND xã Vân Tảo Nguyễn Văn Hoàn, toàn xã có hơn 300 hộ ở thôn Nội Thôn trồng hoa, đào cảnh, mỗi năm cung ứng hơn 10 triệu sản phẩm cây cảnh cho thị trường Tết, giá trị thu lợi từ 100 - 300 triệu đồng/sào, gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Đặc biệt, nghề này còn kéo theo một số dịch vụ phát triển, như: Sản xuất chậu hoa, chậu cảnh, buôn bán hoa, cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh… Hằng năm, làng nghề tạo việc làm cho khoảng 70% lao động với thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong thời kỳ hội nhập, nghệ nhân các làng nghề của Thường Tín đã sáng tạo ra nhiều mặt hàng mới và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo đó, một số sản phẩm làng nghề của Thường Tín đã xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... Trên toàn địa bàn hiện có 35 nghệ nhân được công nhận, trong đó 3 nghệ nhân Nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú, 27 nghệ nhân Hà Nội.

Đến nay, toàn huyện đã có 5 cụm công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, huyện có 126 làng nghề truyền thống, trong đó 48 làng được công nhận làng nghề. Tiêu biểu như làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm, cây cảnh Vân Tảo, sinh vật cảnh Hồng Vân, sơn mài Duyên Thái, thêu tay Quất Động, bông len làng Trát Cầu, xã Tiền Phong...

Trong các làng nghề có khoảng 13.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm DN tư nhân. Những năm qua, phát triển làng nghề ở Thường Tín đã gắn liền với quá trình phát triển nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Cùng với đó, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Để làng nghề phát triển, cùng với tăng cường công tác quản lý DN trong cụm công nghiệp, năm 2018, Thường Tín xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 03-NQ/HU về phát triển nghề thủ công truyền thống; xây dựng thương hiệu làng nghề truyền thống, như: Hoa cây cảnh Nội Thôn, xã Vân Tảo; lưới cước ở Trần Phú, xã Minh Cường; nhãn hiệu tập thể chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu, xã Tiền Phong.

“Đặc biệt, sự phát triển của làng nghề là nguồn lực rất lớn cho các địa phương hoàn thiện tiêu chí xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Từ năm 2021 đến nay, huyện Thường Tín đã triển khai xây dựng NTM nâng cao ở 8 xã và NTM kiểu mẫu ở 2 xã, như: Hồng Vân, Duyên Thái, Văn Bình… Ngoài sự hỗ trợ của TP, chương trình xây dựng NTM của Thường Tín đã huy động nguồn vốn khá lớn từ xã hội hóa, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ các làng nghề và DN làng nghề trên địa bàn” - ông Nguyễn Xuân Minh khẳng định.

Tiếp sức cho làng nghề

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường tín Từ Đức Mạnh cho biết, 9 tháng năm 2022, tổng giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 14.315 tỷ đồng, đạt 63,5% kế hoạch năm, tăng 5,8% so với năm 2021. Trong đó, riêng tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 11.305 tỷ đồng, đạt 64,2% so với kế hoạch năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị thương mại - dịch vụ đạt 11.173 tỷ đồng, đạt 70,2% kế hoạch năm, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu đáng mừng sau thời gian dài phải thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để giúp sức cho làng nghề vượt qua khó khăn, huyện đã huy động các nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các nghề: Sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái), thêu Thường Tín, chăn, ga, gối đệm Trát Cầu (xã Tiền Phong).

Thời gian qua, Sở Công Thương còn hỗ trợ xây dựng 6 thương hiệu làng nghề: Đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm (xã Vạn Điểm), điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang), lưới cá Trần Phú (xã Minh Cường), hoa cây cảnh Hồng Vân, hoa cây cảnh Nội Thôn (xã Vân Tảo), mộc mỹ nghệ Phúc Trạch (xã Thống Nhất).

Cũng theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường tín Từ Đức Mạnh, năm 2022, huyện tổ chức 24 lớp khuyến công để đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động.

Đồng thời, tổ chức thi tay nghề giúp nghệ nhân có thêm "sân chơi", tạo ra sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp với các xã và hiệp hội làng nghề triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực quản lý, đầu tư thiết kế mẫu; chuẩn bị các điều kiện khôi phục sản xuất sau 2 năm phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Hoàng Văn Thắng thông tin: Để hỗ trợ làng nghề truyền thống trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, xã khuyến khích hộ dân làng nghề chuyển từ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang các sản phẩm tiêu thụ nội địa và đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trực tuyến. Về lâu dài, huyện và xã đặt mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề theo hướng thân thiện với môi trường, khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với truyền thống văn hóa, khoa bảng của địa phương.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Đồng thời, tạo điều kiện về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm phát huy các thương hiệu sản phẩm đã có; ưu tiên xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề. Đồng thời gắn phát triển kinh tế làng nghề với chương trình xây dựng NTM và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện.

Từ đầu năm 2022 đến nay, DN trên địa bàn huyện Thường Tín đã đóng góp vào tổng thu ngân sách địa phương hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn còn tích cực hưởng ứng các phong trào của huyện, như: Toàn dân đoàn kết chung tay xây dựng NTM, đóng góp, chung sức cùng huyện trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chương trình giảm nghèo, ủng hộ các gia đình chính sách, trẻ em khuyết tật... góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

"Toàn huyện có khoảng 2.200 DN, trong đó đa số là DN ngoài quốc doanh quy mô nhỏ và vừa. Các DN tạo việc làm cho 25.000 lao động, với riêng DN hoạt động trong các cụm công nghiệp thu hút, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần ổn định đời sống. Năm 2021 - 2022, có 138 DN tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 huyện với số tiền 4 tỷ đồng." - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Thường Tín Ngô Văn Trọng