Thường Tín phát triển làng nghề gắn với du lịch

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những lợi thế bề dày văn hóa lịch sử với hàng trăm làng nghề truyền thống, huyện Thường Tín được xác định là nơi có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm, du lịch tâm linh...

Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái.
Lãnh đạo UBND huyện Thường Tín kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại làng nghề xã Duyên Thái.

Nhiều thế mạnh phát triển du lịch làng nghề

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Đến nay, Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề được TP công nhận là làng nghề truyền thống với nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nghề hoa cây cảnh Hồng Vân, bánh dày Quán Gánh, lược sừng Thụy Ứng...

Hiện tại, trên địa bàn huyện được UBND TP công nhận 4 điểm du lịch, gồm: Điểm di lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.

Bên cạnh đó, Thường Tín còn là mảnh đất di sản tâm linh nổi tiếng với chùa Ðậu - nơi có hai pho tượng táng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường nổi tiếng, di tích liên quan đến cuộc đời của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Chử Ðồng Tử - Tiên Dung, lễ hội làng Từ Vân, xã Lê Lợi...

Những năm gần đây, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Thường Tín vẫn đón hàng trăm nghìn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm du lịch. Qua đó, có thể thấy việc đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển du lịch là hướng phát triển bền vững.

Việc xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề văn hóa tâm linh, kết nối với tuyến du lịch đường thủy với các địa phương lân cận sẽ tạo nên những tour hoàn chỉnh, đa dạng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ghé thăm nơi có nghề sơn mài nổi tiếng ở Thường Tín, Chủ tịch UBND xã Duyên Thái Nguyễn Văn Oánh cho biết: Với truyền thống hơn 300 năm, nghề sơn mài Duyên Thái có những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Trao quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm ngày 28/4/2023.
Trao quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm ngày 28/4/2023.

Với 2 thôn có nghề sơn mài truyền thống, xã Duyên Thái đã sản xuất ra nhiều sản phẩm như: Tranh, đĩa, bình, khay..., vừa làm đồ dùng, vừa làm đồ trang trí. Ngoài phương pháp truyền thống, các nghệ nhân còn ứng dụng sơn mài trên các "nền" khác nhau như vỏ dừa, cật tre, gốm sứ...

Ngoài ra, theo định hướng của huyện, hiện xã Duyên Thái cũng quy hoạch, xây dựng cụm điểm công nghiệp làng nghề 12,4ha, bố trí điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, bãi đỗ xe và tour tuyến xe bus để thuận tiện cho việc đón du khách tới tham quan, mua sắm và trải nghiệm.

Cơ sở của bà Nguyễn Thị Hồi, thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái đã đăng ký 6 sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, làm nổi danh làng nghề sơn mài Duyên Thái trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.

Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, Thường Tín nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất là điểm nhấn cho du lịch với việc quy hoạch làng nghề Duyên Thái, xây dựng Khu tưởng niệm Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, trùng tu tôn tạo di tích Văn từ Thượng Phúc để vinh danh truyền thống khoa bảng...

Chủ tịch UBND xã Văn Bình Ngô Đình Tiến cho biết, trong xã hiện có 4 đình, 4 chùa thì đến nay cũng đã có 4 đình, 3 chùa với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm cũng đã được trùng tu, tôn tạo. Còn 1 đền, 1 chùa của địa phương cũng đang được đầu tư xây dựng để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản: Ngày 28/4/2023, huyện cùng xã Vạn Điểm tổ chức công bố Quyết định công nhận thêm điểm du lịch Làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm. Do vậy, đến nay Thường Tín đã có 4 điểm du lịch làng nghề.

Một trong những sản phẩm điêu khắc tượng tại làng nghề Nhân Hiền, xã Hiền Giang
Một trong những sản phẩm điêu khắc tượng tại làng nghề Nhân Hiền, xã Hiền Giang

Qua tìm hiểu được biết, làng nghề gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm được UBND tỉnh (Hà Tây cũ) công nhận làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2001. Hiện nay, làng Vạn Điểm có trên 700 hộ làm nghề, với 30 nghệ nhân, trên 300 thợ giỏi, có khả năng chế tác những tác phẩm mỹ nghệ từ gỗ tự nhiên.

Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà chia sẻ: Làng Vạn Điểm có cụm công nghiệp 92ha là nơi sản xuất kết hợp trải nghiệm và trưng bày sản phẩm làng nghề; khu làng nghề truyền thống lâu đời kết hợp trải nghiệm, tham quan đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa tâm linh, danh lam thắng cảnh.

Làng có phòng truyền thống nơi tôn vinh những người có công với nghề cũng là nơi đón tiếp khách du lịch về trải nghiệm, tham quan làng nghề. Điểm du lịch Làng nghề Mộc cao cấp Vạn Điểm rộng 67,91ha, gồm 4 khu: Trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa thể thao; khu mua sắm kết hợp dịch vụ ăn uống, và các dịch vụ tiện ích khác.

Khu trung tâm kết hợp tập trung các hộ làm nghề và các cửa hàng trưng bày bán sản phẩm của làng nghề mộc cao cấp. Tại đây du khách được tham quan làng nghề truyền thống với giếng đá cổ, nhà cổ, cây đa - cây di sản… kết hợp trải nghiệm, lưu trú, chiêm bái đình, chùa, đền thờ Tổ làng nghề mộc…

Từ làng Vạn Điểm, xã Vạn Điểm được kết nối với các điểm du lịch trong huyện như: Làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân, chùa Đậu xã Nguyễn Trãi; làng nghề thêu Quất Động, Thắng Lợi; lược sừng Thụy Ứng; đền thờ Nguyễn Trãi, xã Nhị Khê; làng nghề sơn mài Hạ Thái; mây tre đan và cụm di tích đền Lộ, xã Ninh Sở...  

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản đề nghị các địa phương tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng, phát huy vai trò của tổ chức chính trị xã hội để mỗi cán bộ đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích ý nghĩa tác dụng của việc công nhận điểm du lịch làng nghề của TP Hà Nội.

Làng Hạ Thái, xã Duyên Thái là nơi có nghề sơn mài cổ truyền hằng trăm năm nổi tiếng của Hà Nội.  
Làng Hạ Thái, xã Duyên Thái là nơi có nghề sơn mài cổ truyền hằng trăm năm nổi tiếng của Hà Nội.  

Chính quyền và Nhân dân các xã tập trung hoàn thiện nâng cao các tiêu chí đáp ứng các yêu cầu của điểm du lịch phấn đấu trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách. Đẩy mạnh liên kết các địa phương có lợi thế về du lịch, đồng thời liên kết trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các điểm du lịch trên địa bàn TP.

Cùng với đó, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra việc làm tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, duy trì và bảo tồn phát triển nghề truyền thống cũng như các giá trị văn hóa lịch sử của địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần