70 năm giải phóng Thủ đô

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu mở cao điểm bảo vệ Đại hội Đảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp ủy, bộ, ngành liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Đại hội Đảng toàn quốc và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Yêu cầu trên được ông Lê Hồng Anh đưa ra chiều 6/1 trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới (gọi tắt Chỉ thị số 48-CT/TW) và tổng kết công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP) diễn ra ở Hà Nội.

Theo Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường, tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; tiếp tục thực hiện các chỉ thị của Trung ương về bảo vệ an ninh, trật tư, an toàn xã hội.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh người đứng đầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự tại đơn vị, địa phương; thường xuyên coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tội phạm.

Mặt khác, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại với nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kịp thời dự báo, phát hiện, xây dựng và chủ động thực hiện các phương án, kế hoạch, chương trình để giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh ngay từ cơ sở.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng ngừa tội phạm; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công, cán bộ hưu trí, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, chú trọng công tác tuyên truyền đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, tập trung vào nhóm các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân lao động…; xây dựng và nhân rộng các mô hình vận động nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh quốc gia và phòng, chống tội phạm theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự từ cơ sở.

Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần củng cố lực lượng chuyên trách, phòng chống tội phạm; chủ động phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với tích cực tấn công trấn áp các loại tội phạm; tập trung chỉ đạo điều tra, khám phá, xử lý kịp thời, triệt để, nghiêm minh các loại tội phạm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, thời gian qua, tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đã được kiềm chế, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn, tính chất và thành phần đối tượng. Trong đó, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, giết người dã man, tàn bạo, truy sát nạn nhân đến cùng gây bức xúc trong dư luận.

Tội phạm kinh tế và tham nhũng tiếp tục xảy ra nhiều trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản với các hành vi chủ yếu là tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có ý làm trái, lừa đảo. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và buôn bán, vận chuyển hàng cấm diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước.

Cùng với đó, tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng và diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực; vi phạm trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cũng đang xảy ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, tội phạm tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số vụ mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn ngày càng nhiều, trong đó có vụ từ 200 đến 500 bánh hêrôin, hàng chục kilôgam ma túy tổng hợp. Loại tội phạm này ngày càng manh động, liều lĩnh và hầu hết các đối tượng đều được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt...

Năm 2015, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá gần 44.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý trên 83.000 đối tượng; triệt phá 2.480 băng, nhóm tội phạm; truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.705 đối tượng truy nã. Cũng trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện gần 16.000 vụ tội phạm về kinh tế (tăng 14,68%); xử lý trên 13.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 17,53%); đấu tranh triệt phá gần 17.000 vụ, với hơn 26.000 đối tượng phạm tội về ma túy…