Nâng cao chất lượng giám sát của HĐND các cấp
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên đã giới thiệu các nội dunh chính của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 tới 435 điểm cầu tại HĐND các quận, huyện, thị xã cấp xã, phường, thị trấn với tổng số trên 11.700 đại biểu tham dự.
Theo đó, hoạt động giám sát của HĐND hiện thực hiện theo Luật số 87/2015/QH13 ngày 20/7/2015 của Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua gần 7 năm triển khai thực hiện, Luật hoạt động giám sát đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng giám sát của HĐND thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật mới chỉ dừng ở tính nguyên tắc, mặt khác thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Việc tổ chức một số hoạt động giám sát của HĐND còn bất cập, hạn chế, phát sinh vướng mắc, dẫn tới hiệu quả chưa cao.
Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Nghị quyết được bố cục gồm 31 Điều hướng dẫn cụ thể các nội dung của hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND.
Nêu một số điểm đáng chú ý của Nghị quyết 594, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cho biết: Nghị quyết đã chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát qua Điều 4 quy định về các tài liệu trong hồ sơ trình HĐND phê duyệt gồm tờ trình, báo cáo tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề, dự thảo Nghị quyết. Trong đó, tờ trình cần làm rõ sự cần thiết, đối tượng, phạm vi giám sát dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp chuẩn bị nội dung giám sát và đặc biệt là các“biện pháp tổ chức thực hiện”. Trong báo cáo phải thống kê các nội dung giám sát chuyên đề đã thực hiện trong 2 năm trước thời điểm đề xuất.
Nghị quyết cũng xác định rõ các mốc thời gian nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng thời là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện đúng theo mốc thời gian đã quy định.
Cùng đó, Nghị quyết đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tham mưu, giúp việc như Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh; Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trong việc tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Đối với cấp xã, Nghị quyết đã có sự phân định từng loại hình phục vụ để xác định trách nhiệm của các cơ quan tham mưu bảo đảm phù hợp với điều kiện số lượng đại biểu HĐND và thành viên Ban HĐND cấp xã ít, HĐND cấp xã không có cán bộ chuyên trách giúp việc.
Nghị quyết xác định tiêu chí lựa chọn trong hoạt động giám sát để thực hiện đúng nguyên tắc trong hoạt động giám sát đặt ra. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm và nêu cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri trong kế hoạch giám sát vì đây là một nội dung đang được Đảng và Nhà nước quan tâm trong quá trình thực hiện phòng, chống tham nhũng thời gian qua...
Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên, trên cơ sở quy định tại Điều 60 và Điều 69 Luật hoạt động giám sát, Khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 12 Nghị quyết đã quy định cụ thể hơn về trình tự thực hiện chất vấn tại kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND, theo đó, HĐND quy định cụ thể về thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn, việc điều hành của chủ tọa và quyền tranh luận của đại biểu trong Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND hoặc Nội quy kỳ họp HĐND.
Ngoài quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND thì hoạt động chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND cũng có thể được quy định tại Quy chế hoạt động của Thường trực HĐND, từ đó tạo tính chủ động trong việc ban hành Quy chế hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND, nội quy kỳ họp của HĐND phù hợp với từng cấp, từng địa phương...
Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, hiện nay việc thực hiện và theo dõi thực hiện các kiến nghị giám là khâu yếu của HĐND các cấp. Nghị quyết đã quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện các quy định trong Luật để làm rõ hơn quy trình thực hiện. Vì vậy, các đơn vị cần lưu ý tổ chức thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND (được giao nhiệm vụ) cần tăng cường sự chủ động để theo dõi, kịp thời đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện hực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Trường hợp các cơ quan, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu thì gửi văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát giải trình về việc chậm thực hiện hoặc không thực hiện và làm rõ trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý...
Cùng đó, cần có kiến nghị cụ thể về thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị; đồng thời đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi...
"Cẩm nang" để hoạt động giám sát được hiệu quả
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thường trực HĐND thị xã Sơn Tây bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với báo cáo về hoạt động 9 tháng của HĐND các cấp TP. Về các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, đại diện Thường trực HĐND thị xã Sơn Tây bày tỏ: Hoạt động giám sát của HĐND ở các địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như việc tham gia của các đại biểu còn hạn chế, chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu còn ít hoặc chưa tổ chức được; một số kiến nghị chưa sát; việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của các cơ quan hữu quan hiệu quả chưa cao, chưa xác định rõ được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trình tự, thủ tục thực hiện một số hoạt động chưa rõ ràng... Những bất cập này đã dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND còn nhiều hạn chế.
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết lần này là hết sức cần thiết, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong việc xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát trong việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước tại địa phương. Nghị quyết mang tính chất như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay.
Còn đại điện Thường trực HĐND huyện Thạch Thất chia sẻ, hoạt động giám sát, luôn được Thường trực HĐND huyện Thạch Thất xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động của HĐND huyện, xã, thị trấn. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng chính quyền vững mạnh, đồng thời phát huy dân chủ, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND huyện Thạch Thất đề xuất một số giải pháp như tổ chức quán triệt, tập huấn triển khai Nghị quyết gắn với việc thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12/5/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP giai đoạn 2021-2026” đến các cơ quan tổ chức liên quan và đại biểu HĐND các cấp về nội dung của Nghị quyết. Thường xuyên giao ban, phản ảnh tiến độ các hoạt động, nhất là hoạt động giám sát của các Ban, các Tổ đại biểu HĐND huyện; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho các Tổ đại biểu HĐND huyện, các Ban HĐND xã, thị trấn trong huyện.
Xây dựng các quy trình xử lý công việc nội bộ trong hoạt động của HĐND để chuẩn hóa khi triển khai công việc trong hoạt động của HĐND, phát huy tính chủ động của từng cơ quan đơn vị, từng tổ chức, cá nhân liên quan như quy trình tổ chức kỳ họp của HĐND, quy trình tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND và Thường trực HĐND, quy trình chất vấn trong phiên họp của Thường trực HĐND, quy trình tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND.
Đại diện Thường trực HĐND huyện Thường Tín nêu ý kiến: Để triển khai triển khai Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH đạt hiệu quả cao, đề nghị Thường trực HĐND TP nghiên cứu ban hành bộ văn bản mẫu về hoạt động giám sát như: Quyết định, kế hoạch, đề cương, thông báo, kết luận và quy trình giám sát để Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu áp dụng thực hiện cho đồng bộ. Vì đa số Tổ đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND huyện hoạt động kiêm nhiệm nên lúc triển khai các cuộc giám sát gặp khó khăn về viêc ban hành các văn bản phục vụ giám sát và quy trình thực hiện...
Sau khi nghe các ý kiến tham luận của đại diện Thường trực HĐND một số quận, huyện, xã trên địa bàn, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đã ghi nhận những bài học kinh nghiệm, cách làm hay của từng địa phương. Phó Chủ tịch HĐND TP cho biết, với các kiến nghị của đại biểu, Thường trực HĐND TP tiếp thu và giao Văn phòng ban Pháp chế HĐND trả lời, tham mưu nhằm triển khai Nghị quyết nâng cao hiệu quả hoạt động, giám sát của HĐND.