Theo Phó Bí thư Quận ủy, Thường trực HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết: Nhiều năm trước việc giải quyết thủ tục cải cách hành (CCHC) của quận Hà Đông đã đứng trong top đầu của TP Hà Nội về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, năm 2020, việc giải quyết CCHC trong đó chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với chính quyền năm 2020 ở mức thấp, đứng thứ 28/30 của TP; cải cách tổng thể hành chính đứng thứ 18/30 quận huyện. Tiếp thu ý kiến của Quận ủy, năm 2021 Ban thường vụ Quận ủy coi CCHC là 6 nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo đột phá giúp Hà Đông phát triển trong giai đoạn mới và thực hiện Luật Chính quyền Đô thị, phấn đấu đưa công tác CCHC với công tác đầu tư hiện đại hóa nền hành chính công, chính phủ điện tử trở thành đơn vị đứng đầu toàn TP Hà Nội.
Tại buổi giải trình đã tiếp nhận 7 ý kiến của đại biểu HĐND quận về nội dung CCHC, giải quyết TTHC. Cụ thể, có 3 phường Văn Quán, Dương Nội, La Khê có TTHC chậm trả hồ sơ cho công dân. Cả 3 Chủ tịch UBND của 3 phường kể trên đều cho biết: Trên thực tế, các thủ tục đều trả đúng và trước hạn, nhưng do lỗi phần mềm cập nhật do đó nhìn trên phần mềm bị chậm trả. Duy chỉ có 2 hồ sơ khai sinh ở Văn Quán do Bộ Công an gửi mã định danh chậm nên phường giải quyết muộn. Giải quyết TTHC dịch vụ công mức độ 3 và 4 không cao, do người dân thiếu thiết bị, công nghệ và trình độ thông tin cũng hạn chế.
Quận đã triển khai kiểm tra 17 phường, 2 phòng chuyên môn, tuân thủ nội quy, quy trình, quy chế giải quyết TTHC. Sau những buổi kiểm tra đều làm rõ những nội dung còn chưa đạt. Công tác kiểm tra gắn với 2 bộ quy tắc ứng xử của TP Hà Nội, chuyển biến về thái độ phục vụ Nhân dân. Trong đó, quận đã phát hiện một số TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) liên quan đến Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT), Văn phòng Đăng ký đất đai của Sở Địa chính, Thuế.
Thủ tục cấp GCNQSDĐ rất nhiều, có 4 hồ sơ của phòng TNMT chậm muộn, liên quan đến 2 phường Vạn Phúc, Dương Nội do có những thủ tục phải trả lại không thể cấp được. Vì các thửa đất chuyển hồ sơ cấp giấy chưa đủ thủ tục, như chưa xác định được diện tích chung, riêng và ranh giới của thửa đất, đất lấn chiếm. Do vậy TTHC cấp GCNQSDĐ chậm, khiến người dân chưa hài lòng.
Hệ thống công nghệ, trang thiết bị đã đầu tư trên 10 năm, do đó máy tính cấu hình không đáp ứng, đường truyền mạng thường xuyên chậm. Quy mô đầu tư đồng bộ tại bộ phận Một cửa của quận và phường đang dự kiến trình HĐND ký họp cuối năm và năm 2022 sẽ đầu tư xong.
Thủ tục hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, UBND quận Hà Đông đã ban hành 2 kế hoạch và quyết định, 20 công văn để triển khai. Lúc đầu cũng gặp khó khăn do Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn TP, do giãn cách nên các đối tượng hạn chế đi lại nên chưa làm hồ sơ hỗ trợ. Lao động tự do không được hướng dẫn từ đầu. Chỉ được hướng dẫn sau khi các quận, huyện kiến nghị khó khăn. Nhiều lao động chưa trung thực khai thủ tục, nhiều hồ sơ điện tử gửi lên bị lỗi. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, ngành lao động đã xây dựng bộ thủ tục để người dân tiện kê khai và các phường đã triển khai và niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử, tại trụ sở UBND phường để người dân được biết. Đến nay quận đã xét duyệt được 32.183 người, hộ, doanh nghiệp, đạt trên 64,1 tỷ đồng. Còn 2 nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, người bị cách ly F0 và F1 chưa được hỗ trợ hết.
Phòng Kế hoạch Tài chính hàng tháng tiếp nhận 800 đến 1.000 TTHC đăng ký kinh doanh. Phòng luôn đảm bảo thời gian giải quyết đúng và trước hạn. Giải quyết mức độ 3 từ 85-90% TTHC hiện có. Phòng đã chia sẻ kinh nghiệm như tiếp nhận trực tiếp từ người dân, thời gian thực hiện có 3 ngày. Phòng xây dựng quy trình giải quyết ISO đưa bộ thủ tục lên cổng thông tin điện tử; đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua tờ rơi, trên cổng điện tử, cán bộ nhận hồ sơ hướng dẫn tận tình, chu đáo.
Kết luận phiên giải trình, ông Nguyễn Văn trường cho rằng: Trước hết phải nhìn nhận đánh giá năng lực công chức, rà soát lại TTHC, quy trình giải quyết thủ tục, phấn đấu giảm thời gian giải quyết. Những lĩnh vực nào không giảm được thời gian thì giữ nguyên, tăng cường chất lượng giải quyết. Ban Thường vụ HĐND đưa nội dung giám sát về CCHC nhằm nhìn nhận vấn đề thấu đáo, nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ CCHC, gắn với công tác cán bộ. Từ quận đến các phường và các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được các TTHC, các dịch vụ được thực hiện ở mức độ nào để người dân tham gia. Tự lượng hóa năm 2021 xem Hà Đông đứng ở mức độ nào để đưa ra nhiệm vụ năm 2022, thực hiện cam kết về thứ bậc năm 2022. Chỉ số CCHC được TP kết hợp với chỉ số phát triển kinh tế, do đó quận cần tiếp tục tăng cường giao dịch trực tuyến mức độ 4 để giảm tiếp xúc tại bộ phận 1 cửa, tránh dịch bệnh lây lan.