Thượng tướng Lê Quý Vương khuyên Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu".

Bên hành lang QH sáng 4/11, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã trả lời báo chí về thực tế một số cán bộ có dầu hiệu phạm tội trốn ra nước ngoài.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Bộ luật Hình sự phân loại tội phạm thành 4 loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, là mức độ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nên lệnh truy nã vô thời hiện. "Không có thời gian kết thúc, sẽ truy đến cùng", Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định. 
 Thượng tướng Lê Quý Vương trao đổi với báo chí sáng 4/11. Ảnh: Nguyễn Quyết

Theo Thượng tướng, nên thông tin để kêu gọi, vận động ông Trịnh Xuân Thanh trở về nước đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

“Trịnh Xuân Thanh nên về nước đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là bản lĩnh của con người, dám làm dám chịu. Tôi cũng muốn nói điều này với ông Trịnh Xuân Thanh. Là người sinh ra trong một gia đình có truyền thống, bây giờ gây ra như vậy, Thanh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bỏ trốn".

Luật pháp Việt Nam lượng khoan hồng rất lớn, quan điểm của con người Việt Nam rất nhân đạo, truyền thống dân tộc là đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Tôi nói Thanh khó mà lẩn trốn được”, ông Vương nhắn nhủ.

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án trọng điểm, phải làm thấu đáo.

"Đây là vụ án mà nhân dân rất quan tâm. Thua lỗ có phải 3.300 tỷ đồng không? Cá nhân các đối tượng có sai phạm như thế nào? Có tham ô, tư lợi không", tướng Vương cho biết.

Nói về công tác điều tra các vụ án kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng công tác điều tra về vụ án kinh tế hết sức khó khăn. Công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu, hộ chiếu phổ thông rất đơn giản, đi lại một số nước trong khu vực qua lại rất thuận lợi.
Bên cạnh đó, việc quản lý xuất nhập cảnh thì chỉ quản lý công khai, xuất nhập khẩu qua lại qua biên giới, sân bay. Biên giới thì lại rất rộng, đường bộ, đường biển, tàu vận tải qua lại nữa, nên lợi dụng đi lại rất dễ dàng.
Nhận định về thực tế có một số cán bộ bỏ trốn khi có dấu hiệu phạm tội, được kết luận trong thời gian qua như ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang; ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVtex)… Thượng tướng Lê Quý Vương nhận định: “Có sơ hở trong quản lý cán bộ, còn lỗi ở đâu, lỗi thế nào, tại sao như thế thì phải xem xét mới đánh giá kết luận được".
Nói về khó khăn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ bỏ trốn khi có dấu hiệu vi phạm, Thứ trưởng Vương nêu rõ: theo Bộ luật Hình sự, một người chỉ có tội khi tòa án có bản án, bản án có hiệu lực thi hành. Công an muốn bắt giữ người phải bắt quả tang, giữ khẩn cấp thì cũng phải báo cáo Viện kiểm sát phê chuẩn nên rất khó để điều tra.
“Trước thời điểm có thể đề xuất một số biện pháp, nhưng anh chưa chứng minh người ta phạm tội, chưa bị phát sinh về mặt tố tụng thì không thể nói lý do này lý do kia để cấm người ta được. Hiến pháp quy định rất rõ về quyền công dân, con người ta chỉ bị hạn chế quyền khi pháp luật quy định. Có bao nhiêu quy định pháp luật hạn chế quyền này, công an cũng không đề ra để hạn chế người ta được”- Tướng Vương cho hay.
Thứ trưởng cũng cho biết rút kinh nghiệm từ các vụ việc này, Bộ Công an sẽ có những kiến nghị để hạn chế xảy ra những trường hợp tương tự trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần