Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 11, cho ý kiến 14 nội dung

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 11, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.

Dự kiến chương trình phiên họp diễn ra từ 11/5 đến 13/5, xem xét, cho ý kiến trực tiếp về 11 nội dung và 3 nội dung cho ý kiến bằng văn bản.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó phần lớn là các nội dung công tác chuẩn bị cho Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, khai mạc vào ngày 23-5 tới đây.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Chương trình Phiên họp, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước; Xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; bổ sung kế hoạch ngân sách Trung ương năm 2022 trong nước phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các Uỷ ban liên quan của Quốc hội căn cứ vào báo cáo và tình hình thực tiễn để cho ý kiến. Qua đó nâng cao chất lượng các báo cáo, tránh tình trạng chung chung rồi đẩy cái khó cho Quốc hội.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định: Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) (nếu đủ điều kiện).

Nhấn mạnh đây là 5 dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng đa dạng nguồn vốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc cho ý kiến về sự cần thiết và cấp bách của việc phân kỳ đầu tư, sự phù hợp vơi quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, hình thức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư, nhất là tính khả thi nguồn vốn để tránh việc Quốc hội phê chuẩn xong lại không triển khai được.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kiểm toán việc sử dụng các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh của Kiểm toán nhà nước và tiếp tục cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 bằng văn bản.

Về các vấn đề quan trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thành lập thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần đánh giá trách nhiệm từng cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trong nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của cử tri, đồng thời xử lý theo lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nhiều kiến nghị được kịp thời giải quyết góp phần giải quyết khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên cần nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá tồn tại, hạn chế, nhất là vấn đề ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và doanh nghiệp. Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội cố gắng có cải tiến, đổi mới để có bước nâng cao chất lượng công tác dân nguyện nói chung.

Đối với các nội dung khác, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp cho ý kiến báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.