Thường vụ Quốc hội không cho lùi trình Dự án Luật Biểu tình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 45, cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Một lần nữa, Chính phủ lại xin lùi thời điểm trình Dự án Luật Biểu tình. Tuy nhiên, UBTV đã không đồng tình vì Dự án này vì đã lùi "quá nhiều lần".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 45  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 	Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN
Dự án Luật Biểu tình đã lùi từ Kỳ họp thứ 9 sang Kỳ họp thứ 11 (dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016), tuy nhiên trình bày trước UBTV Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã phân công và chỉ đạo Bộ Công an soạn thảo Dự án Luật và đã tiến hành tổng kết pháp luật về lĩnh vực này, tiến hành khảo sát, nghiên cứu, biên dịch… Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nhưng ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau về nội dung Dự án Luật. Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý Dự án Luật đảm bảo chất lượng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình Dự án Luật Biểu tình từ Kỳ họp cuối của Quốc hội Khóa XIII (Kỳ họp thứ 11).

Không đồng tình với đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đề nghị đảm bảo đúng thời hạn trình Dự án Luật này vì lùi "quá nhiều lần". “Chính phủ nói do liên quan đến Luật Quản lý vật liệu nổ. Hai cái này là khác nhau, không gắn được với nhau. Biểu tình là quyền cơ bản của công dân từ năm 1945. Giờ cứ lùi đi lùi lại mãi không được. Chúng ta không thể để cho đối tượng xấu lợi dụng nói xấu chúng ta được. Vì biểu tình liên quan đến vấn đề dân chủ. Lùi thế này là không tốt về mặt chính trị” - ông Hiện thẳng thắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nêu câu hỏi, trước Tết có thông báo của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nói tiếp tục thực hiện đúng chương trình. Đó là văn bản mới nhất của Chính phủ, bây giờ lại nói dừng không có thời hạn là như thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bức xúc: “Tại sao cứ lùi đi lùi lại mãi, do làm không được hay không chịu làm? Chương trình là Quốc hội quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình Dự án Luật này ra UBTV Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”. 

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình Dự án Luật Biểu tình lên Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 theo đúng chương trình đã được quyết định. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, cũng tại Kỳ họp thứ 11 này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến một dự án luật khác.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về việc cho ý kiến đối với nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Australia về chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ; Cho ý kiến về Quy chế hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội.
Đề xuất trình Dự án Luật Hành chính công
Ngày 17/2, trước UBTV Quốc hội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) đã có tờ trình đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng Luật và pháp luật năm 2016 và Kỳ họp thứ 11 Dự án luật Hành chính công, đây là sáng kiến lập pháp của cá nhân ĐB, cùng với các chuyên gia, các thành viên của Viện nghiên cứu Lập pháp soạn thảo. Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Dự án Luật tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật về hành chính công đang là những rào cản gây khó khăn, bức xúc cho người dân và DN. Từ đó, góp phần vào việc tăng tính hiệu quả, năng động của nền hành chính và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Cụ thể, nội dung Dự án Luật đề cao nguyên tắc nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm thước đo hoạt động của cơ quan, tổ chức; tập trung quy định vấn đề kiểm soát hành chính công. “Thuật ngữ Chính phủ điện tử lần đầu tiên sẽ được đề xuất sử dụng trong Dự án Luật, chứ không quy định chung chung là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước” - ĐB Khánh khẳng định.
Hoan nghênh việc ĐB trình Dự án Luật Hành chính công, tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Dự Luật vẫn còn nhiều nội dung phải suy nghĩ thêm, đặc biệt là về phạm vi điều chỉnh, tính khả thi, do đó tạm thời cũng chưa đưa vào chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội tới đây.