70 năm giải phóng Thủ đô

Thủy sản Việt Nam đón nhận nhiều tin vui

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm 2023, nhiều tín hiệu tốt từ thị trường thế giới cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như cá ngừ, tôm, cá tra.

Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về gần 7,5 tỷ USD. Ảnh minh họa
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2023 thu về gần 7,5 tỷ USD. Ảnh minh họa

Đơn cử như, nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang tìm mua một lượng lớn phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này.

Nhận định về thị trường Mỹ trong 2 tháng cuối năm, Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, thị trường Mỹ đã có dấu hiệu cải thiện nhu cầu tiêu dùng, tỷ lệ tồn kho sản phẩm của công ty tại các nhà phân phối, bán lẻ ở Mỹ đã giảm về mức trung bình, cùng với đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Những yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm có thể kích thích các doanh nghiệp tại đây gia tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại, đây là cơ hội cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Lạc quan về tình hình thị trường cuối năm, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang dự báo, giai đoạn cuối năm với các lễ hội lớn, sau đó là Tết Nguyên đán ở châu Á sẽ giúp mức tiêu thụ tôm gia tăng, trong khi hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã giảm và phải nhập thêm. Do đó, có thể coi dịp cuối năm là “mùa vàng” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu đều gia tăng mạnh mẽ để phục vụ mùa lễ hội.

VASEP dự báo, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD. Ảnh minh họa
VASEP dự báo, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD. Ảnh minh họa

Thông tin về tiến độ gỡ thẻ vàng IUU cho thủy sản, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, tháng 10/2023, đoàn kiểm tra đánh bắt thuỷ hải sản không hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EU đã đến Việt Nam làm việc. Đoàn công tác EU đánh giá rất cao nỗ lực của phía Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU. Phía EU cũng hứa trong vòng 6 tháng tiếp theo, nếu phía Việt Nam có triển vọng tốt trong đánh bắt thực tế thì EU sẽ xem xét gỡ bỏ thẻ vàng trước khi EU chuyển vào bầu cử nghị viện.

Xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh

Nhiều chuyên gia nhận định, để tận dụng thời cơ, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tập trung thêm vào khâu quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm thế mạnh của ngành; tăng tính hiệu quả, chuỗi giá trị ngay từ cấp vùng nuôi.

 

VASEP dự báo, với điều kiện thị trường phục hồi và nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT vẫn kiên định với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 10 tỷ USD.

Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng thẻ vàng của EC; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU nhằm đảm bảo nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

Đối với thị trường Mỹ, VASEP cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường đàm phán và ký kết các hiệp ước, hiệp định với Mỹ để hạn chế biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Đồng thời thúc đẩy mở cửa thị trường cho những sản phẩm tiềm năng như cá ngừ, mực và bạch tuộc.

Đưa ra giải pháp cụ thể, ông Trần Ngọc Quân khuyến nghị, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm cho mặt hàng thế mạnh như tôm, cá da trơn, cá rô phi để tiếp tục mở rộng thị trường tới các bang, tiểu bang tại Mỹ mà sản phẩm của Việt Nam chưa có mặt.

Đặc biệt là thường xuyên cập nhật xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp và hiệp hội để có kế hoạch ứng phó hiệu quả, có chiến lược kinh doanh hợp lý và thận trọng.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo doanh nghiệp nên tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng từ hàng cao cấp đến bình dân.

Doanh nghiệp nên tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng hàng giá rẻ; đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng của các nước đối tác.