Tích cực tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất khẩu nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/8, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2015.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 7, tình hình xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các mặt hàng cà phê, cao su, sắn và gạo. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 2,47 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2015 lên 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Trần Quốc Tuấn – Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi họp báo
Ông Trần Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT phát biểu tại buổi họp báo
Riêng lĩnh vực thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, xuất khẩu tôm năm nay gặp nhiều khó khăn hơn so với năm ngoái do sức mua của thị trường yếu, tỷ giá VNĐ thấp so với đồng ngoại tệ nên thị trường không có sức hút lớn.

Theo ông Tuấn, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng về sản phẩm tôm tăng nhưng biến động thị trường khó định đoán do còn bị chi phối bởi cả yếu tố chính trị. Tổng cục Thủy sản xác định, xuất khẩu tôm cuối năm chủ yếu tập trung vào tôm sú sản xuất theo hướng quảng canh và bán thâm canh theo hướng cải tiến. Lý do là vì trong khi sức mua thị trường yếu, tỷ giá bất lợi thì tôm sú quảng canh có giá thành thấp nên sẽ dễ cạnh tranh hơn.

Ông Trần Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 8 và các tháng cuối năm, Bộ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ nông sản để thúc đẩy sản xuất xuất, góp phần vào tăng trưởng của toàn ngành. Việc tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường được Bộ NN&PTNT xác định là nhiệm vụ trọng tâm số một trong tháng 8/2015.

Ông Tuấn cho biết thêm, việc tháo gỡ rào cản khó khăn ở những thị trường khó tính sẽ là cơ sở để phát triển thị trường tiêu thụ nông sản khác. Hiện nay Bộ NN&PTNT đã cung cấp thông tin về chủng loại, chất lượng nông sản cho đại sứ, thương vụ các nước. Bộ NN&PTNT cũng giao vụ Hợp tác quốc tế nghiên cứu thành lập một tổ chức giúp Bộ về thương mại và hội nhập thị trường quốc tế, có thể là Phòng Kinh tế đối ngoại. Đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Đại sứ quán các nước tìm hiểu về thị trường tiêu thụ nông sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần