70 năm giải phóng Thủ đô

Tích trữ đồ dùng, chuyện xưa rồi!

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người xưa do đói ăn thiếu mặc nên mới có câu: “Tích cốc phòng cơ – Tích y phòng hàn” (Trữ lương thực phòng đói - Trữ quần áo phòng giá lạnh). Nhưng giờ đây, kinh tế phát triển, đời sống đã khấm khá hơn rất nhiều nên họa chăng chỉ ở một vài địa phương vùng núi cao đặc biệt khó khăn mới thực hiện.

Thế mà từ bữa xuất hiện dịch nCoV, chẳng rõ do tư tưởng tích trữ từ xưa trỗi dậy hay do hiệu ứng từ truyền thông mà ở các TP, nhiều người đổ xô ra siêu thị khuân đồ ăn thức uống “ních” đầy tủ lạnh. Khẩu trang, nước khử trùng cũng phải tranh nhau mới mua được. Kẻ vụ lợi thì nhân cơ hội “đục nước thả câu”, đẩy giá cả cái khẩu trang lên tận mây xanh!
Liên tục những ngày này, Bộ Y tế khuyến cáo về các trường hợp cần sử dụng khẩu trang y tế để phòng, chống nCoV. Theo đó, người dân chỉ đeo khẩu trang y tế trong các trường hợp sau: Khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus nCoV; khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi; khi được chỉ định tự theo dõi, cách ly tại nhà hoặc khi đi thăm hỏi, khám, điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Người khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh về đường hô hấp chỉ cần đeo khẩu trang vải khi đến các khu vực tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
Đấy là với cái khẩu trang, còn lương thực, thực phẩm thì không cần phải tích trữ. Bởi hệ thống cửa hàng, siêu thị, chợ dân sinh đã phủ khắp toàn TP. Thậm chí, chỉ cần một cú điện thoại, sẽ có người ship hàng đến tận nhà. Trong thời đại 4.0, cái gì cũng nhanh, cũng sẵn và tiện lợi. Bởi vậy, người dân cần xóa bỏ tư tưởng tích trữ, tâm lý đám đông mà cần theo dõi thông tin chính thống từ các cơ quan, đơn vị chức năng để có biện pháp phòng chống, ứng phó với dịch đúng đắn, hiệu quả. Từ đó tránh tạo ra những hiệu ứng, hệ lụy tiêu cực trong xã hội.