Tiềm ẩn bệnh từ các món nướng

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vào đông, trời trở rét, các quán đồ nướng luôn tấp nập khách vì giá cả hợp lý, mùi vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, đồ nướng bằng bất cứ hình thức nào đều tiềm ẩn nguy cơ chứa chất độc gây ung thư.

Vừa ăn, vừa lo

Hơn 7 giờ tối, các quán đồ nướng trên phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy) đã tấp nập khách vào ăn. Một tốp khách ít cũng khoảng 4, 5 người ngồi quây quanh chiếc bếp than hoa rực đỏ, trên là vỉ nướng, khói và mùi thức ăn nghi ngút. Tại quán Nhất nướng – nhà hàng có tới 2 cơ sở trên cùng một con phố, nổi tiếng với “phong cách” nướng than hoa không khói cũng kín bàn khách đặt. Theo quan sát của phóng viên, giá thành của các món nước trên phố này dao động từ 40.000 - 150.000 đồng/đĩa. Hầu hết các món nướng từ quán vỉa hè hay nhà hàng đều được thái lọc sẵn, tẩm ướp các loại gia vị và đều có chung màu vàng óng. Dưới ánh đèn điện mờ, không rõ đây là màu của dầu điều hay của phẩm màu... Hệ thống các quán nướng như vậy cũng xuất hiện nhiều trên các phố phường ở Hà Nội, thậm chí tạo thành “thương hiệu” gắn với tuyến phố như Nhắng nướng Đại Cồ Việt, nướng Lụi Lò Đúc, nướng vỉa hè Ngô Thì Nhậm, đồ nướng khu Nghĩa Tân (Cầu Giấy)…

 Đồ nướng luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây bệnh. Ảnh Hà Ngân

Thực tế, món nướng thường đánh lừa vị giác người dùng trước hết bằng mùi thơm. Mỗi quán lại có cách chế biến, tẩm ướp riêng, ướp càng lâu, gia vị càng thấm, thực phẩm khi nướng càng dậy mùi nên rất khó để nhận biết các loại thực phẩm có tươi và an toàn hay không. Là một tín đồ của các món nướng nhưng khi hỏi về độ tin cậy vào các quán nướng, chị Lê Thu Trang (quận Hà Đông) thừa nhận: “Cũng phải vừa ăn vừa lo nhưng vì là sở thích nên thôi đành “nhắm mắt cho qua”. Chị Trang băn khoăn, mỗi ngày nhà hàng lấy đâu ra nhiều râu bạch tuộc, nhiều nầm bò, nhiều chân gà đến vậy. Anh Đặng Đình Hiếu (quận Hoàng Mai) cũng luôn tỏ ra nghi ngờ chất lượng của các món nướng. Anh Hiếu kể lại, có lần đến ăn tại một quán nướng trên phố Nghĩa Tân, khi vào khu bếp, anh mới giật mình khi thấy cả túi thịt lợn ba chỉ đã được thái sẵn đựng trong túi nilon vứt thẳng xuống nền nhà nhớp nháp. Mấy món dạ dày lợn, râu bạch tuộc, mực trứng không rõ nguồn gốc được nhà hàng đưa ra mặc dù đã được ướp sơ qua nhưng sờ vào vẫn còn thấy mát mát vì chưa đủ thời gian rã đông...

Nướng… ra độc

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồ nướng là thức ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng nếu ăn thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu, thức ăn nướng trên than ở nhiệt độ cao khi mỡ nhỏ giọt xuống than sẽ tạo ra các phân tử hydrocabure thơm đa vòng gây ra các bệnh ung thư. Bên cạnh đó, vỉ nướng được làm từ kim loại như nhôm, sắt... ở nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, có nguy cơ gây lão hóa sớm hoặc mắc một số bệnh về xương khớp, tim mạch. Ngoài ra, than củi trong quá trình đốt nóng sẽ sản sinh ra khí CO gây nên các bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ Tiến cho biết thêm, đồ nướng trực tiếp trên bếp gas cũng tạo ra các chất trung gian hóa học như axit amin thơm, amin dị vòng, gây đột biến tế bào và ung thư. Thậm chí, khi nướng gián tiếp trên bếp gas hoặc bến than củi thông qua chảo cũng vẫn tạo ra độc tố. Đó là còn chưa kể nguồn gốc thực phẩm đưa vào các quán ăn nhỏ lẻ, vỉa hè khó có thể kiểm soát nguồn gốc và chất lượng.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, khi ăn đồ nướng, phần bị cháy nên cắt bỏ, không ăn thực phẩm nướng cháy đen, quá vàng cũng như quá cứng. Lúc nướng cần chú ý thời gian nướng và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, dụng cụ nướng cũng cần đảm bảo vệ sinh, an toàn. Cách tốt nhất là sử dụng bếp nướng halogen ánh sáng, hoặc là lò nướng chân không đa năng, sử dụng hơi nóng để nướng chín thực phẩm. Các loại bếp này không sản sinh ra khí độc hại cho môi trường xung quanh. Nên hạn chế nhiệt độ của lò nướng, khoảng từ 300 - 500 độ C. Đặc biệt, mỗi người chỉ nên ăn vừa phải, sau khi ăn nên ngưng ăn món này một đến vài tuần để thải hết độc tố ra khỏi cơ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần