Tiềm năng lớn nhưng nhiều rủi ro

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Phi - Trung Đông đang là "đích nhắm" của nhiều DN Việt Nam nhưng vì là thị trường mới và còn ít thông tin nên việc giao thương tại đây cũng tiềm ẩn những rủi ro mà các DN cần cẩn trọng.

Thị trường có sức mua lớn

Chia sẻ tại Hội thảo "Chiến lược thâm nhập thị trường châu Phi - Trung Đông" do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội tổ chức ngày 23/10, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường châu Phi và Trung Đông có sức mua lớn, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cũng phù hợp với năng lực và thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lớn để DN Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Không chỉ có sức mua lớn, nhiều quốc gia ở Châu Phi còn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Mỹ, EU hoặc các nước trong khu vực. Đây là đòn bẩy tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam mở rộng thị trường và được khách hàng biết đến nhiều hơn. Các nước Châu Phi cũng đứng đầu thế giới về tốc độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong 2 năm gần đây. Nhiều chính sách mới được áp dụng như: Nới lỏng kiểm soát ngoại hối, giảm thuế và chi phí cho thuê đất, thử nghiệm các hình thức hợp tác mới…
 Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel kinh doanh mạng di động Movitel tại Mô-dăm-bích.      Ảnh: Việt Anh
Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel kinh doanh mạng di động Movitel tại Mô-dăm-bích. Ảnh: Việt Anh
 
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội cho biết: "Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc tìm kiếm và khai thác thị trường mới là khẩn thiết đối với các DN, song vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt đối với thị trường đầy tiềm năng như khu vực châu Phi - Trung Đông". Tuy nhiên, do thông tin về thị trường này dành cho các DN Việt Nam còn khá ít ỏi, nên rủi ro khi tiếp cận thị trường là khá lớn, khiến nhiều DN nhỏ và vừa còn e dè.

Đề phòng rủi ro

Ông Ngô Văn Hiệp - Giám đốc Công ty Luật Hiệp & Các cộng sự kể lại câu chuyện một DN vừa ký hợp đồng nhập khẩu bông từ Cameroon về Việt Nam. Công tác kiểm tra chất lượng hàng mẫu được hai bên tiến hành đầy đủ trước khi ký hợp đồng, tuy nhiên, khi 2 container hàng từ Cameroon chuyển về đến cảng Việt Nam thì phía DN Việt Nam phát hiện toàn bộ nguyên liệu bông bị hư hỏng. Ông Hiệp cho biết, trong trường hợp này, DN Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện và thắng kiện. Tuy nhiên, hợp đồng ký kết không quy định luật áp dụng và ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dẫn đến khó khăn trong quá trình khởi kiện. Đồng thời, hợp đồng lại quy định "khi tranh chấp xảy ra sẽ giải quyết tại Trung tâm trọng tài London". "Nếu đưa vụ việc này ra Trung tâm trọng tài London, chi phí theo đuổi vụ kiện sẽ lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ, nếu thắng kiện thì cũng phải đợi vài năm mới được hoàn trả. DN nếu "được vạ thì má đã sưng"" - ông Hiệp chia sẻ. Hiện tại, DN rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" và vẫn chưa có hướng giải quyết. Rõ ràng, đây là bài học cho các DN Việt Nam khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Còn với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Thăng Long, vướng mắc hiện nay là Công ty đang muốn mở văn phòng đại diện tại Nam Phi, song qua tìm hiểu thì nước này chỉ có hướng dẫn DN nước ngoài mở chi nhánh, công ty con chứ chưa có mô hình văn phòng đại diện. Bà Vi Thanh Hồng - Phụ trách Sales & Marketing của Công ty cho biết, Công ty vẫn đang loay hoay chưa thể mở được văn phòng đại diện vì những vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Khá nhiều DN, trong đó có cả những DN lớn cũng gặp trở ngại tương tự khi muốn "tiến quân" sang các thị trường châu Phi - Trung Đông. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, hiện, Hapro đang xúc tiến mở rộng thị trường sang châu Phi, nhưng vì đây là thị trường xa xôi nên phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Hapro kiến nghị Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ và ưu đãi dành cho các DN tiên phong mở rộng thị trường.

Đồng tình với ý kiến nhận định châu Phi - Trung Đông là thị trường tiềm ẩn những rủi ro như: Rủi ro về chính trị, có nhiều vụ lừa đảo thanh toán, một số quốc gia áp dụng rào cản thương mại gây khó khăn cho DN, nhưng ông Trần Quang Huy cũng chia sẻ, các DN hoàn toàn có thể phòng tránh khi tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán kinh doanh của nước sở tại; mặt khác, khi nhận các đơn hàng xuất khẩu cần đưa ra các mức đặt cọc (ít nhất là 30%) để đảm bảo an toàn cho đơn hàng, hạn chế cho khách hàng trả chậm… Ngoài ra, Việt Nam đã mở các Thương vụ tại Ai Cập, Nam Phi, Nigeria, Algeria, Iran, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ, Isarel… làm cầu nối cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho các DN muốn xúc tiến tìm hiểu các thị trường này.
 
Báo cáo của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cho thấy, từ năm 2010, Việt Nam liên tục xuất siêu sang châu Phi. Cụ thể, năm 2010 xuất siêu hơn 1 tỷ USD, năm 2011: gần 2,3 tỷ USD, năm 2012: 1,45 tỷ USD, năm 2013: gần 1,5 tỷ USD. Tương tự, Việt Nam cũng xuất siêu sang thị trường Trung Đông: Năm 2012 là hơn 1,7 tỷ USD, năm 2013: hơn 3,7 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần