Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêm vaccine gì trước và trong khi mang thai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tiêm chủng trước và trong thời gian mang thai là việc làm quan trọng để giúp thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi ra đời có sức đề kháng tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo khuyến cáo của TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thời điểm trước khi mang thai, các chị em nên tiêm các mũi vaccine phòng rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B. Rubella là bệnh lành tính, khỏi trong thời gian ngắn và hoàn toàn có thể phòng ngừa.

Nếu mẹ bị nhiễm Rubella trong ba tháng đầu của thai kỳ sẽ lây cho thai nhi, gây ra sẩy thai hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho trẻ như mù, điếc, suy dinh dưỡng bào thai, tật ở tim...

Vì vậy, trước khi mang bầu ít nhất ba tháng, phụ nữ nên đi tiêm phòng Rubella một mũi duy nhất. Với bệnh viêm gan B, nếu mẹ nhiễm, tỷ lệ truyền bệnh cho con trong ba tháng đầu của thai kỳ rất thấp (1%), nhưng trong ba tháng giữa, nguy cơ lây truyền cho trẻ là từ 10 - 20%, nguy cơ này tăng lên đến 90% nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong ba tháng cuối của thai kỳ.
 
 
Tiêm vaccine gì trước và trong khi mang thai - Ảnh 1
 

Khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong năm tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay. Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virus gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở.

Vì vậy, trước khi chuẩn bị có bầu, phụ nữ nên tiêm phòng bệnh thủy đậu một lần duy nhất và ít nhất ba tháng sau đó mới nên có em bé.

Phụ nữ cũng nên tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang bầu để phòng tránh những cơn cúm trong thời gian mang thai và nhất là phòng tránh dị tật thai khi bị cúm trong ba tháng đầu. Thuốc ngừa cúm thường hiệu lực chỉ trong một năm.

 Giai đoạn đang mang thai, mọi thai phụ đều cần thiết tiêm 2 mũi vaccine phòng uốn ván. Nếu thai phụ nhiễm uốn ván có thể gây nên tình trạng thai chết lưu. Vaccine phòng uốn ván vô hại đối với thai nhi.

Ngoài việc tiêm phòng, khi chuẩn bị có thai, phụ nữ cũng nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện và điều trị ổn định bệnh trước khi có thai. Việc kiểm tra bệnh di truyền từ họ hàng cả hai bên cũng rất cần thiết, tranh thủ ý kiến của bác sĩ để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh di truyền đối với em bé.

 
Nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt không tốt như uống rượu bia, quá mức, hút thuốc lá, làm việc quá khuya, hoạt động các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh, cường độ cao trước và trong khi có thai.