Tiền ảo lại sôi động: Chiêu trò lừa đảo không ngừng gia tăng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bitcoin đã lên cao nhất trong gần 4 tháng qua, vượt lên mốc 51.000 USD/Bitcoin và nhận được sự tin tưởng từ các tổ chức tài chính, cũng như một số quốc gia về mức độ bao phủ của tiền điện tử trong tương lai.

Thẳng tiến ngưỡng 52.000 USD

Tháng 8 vừa qua được xem là thời gian hồi phục của Bitcoin và thị trường tiền ảo nói chung, khi Bitcoin vượt qua mốc kháng cự 50.000 USD vào ngày 23/8. Trước đó, Bitcoin đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là gần 65.000 USD/Bitcoin vào tháng 4, nhưng bị bán tháo mạnh từ cuối tháng 5, thậm chí có lúc giảm xuống dưới 30.000 USD. 

 Giá 10 loại đồng tiền điện tử đứng đầu thị trường

Đến cuối ngày 6/9 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã vượt cản 51.000 USD thành công (đứng mức 51.673 USD), tức mỗi coin giá trên 1,230 tỷ đồng. Ngoài Bitcoin, có 8/10 đồng tiền điện tử đứng đầu thị trường cũng đều tăng giá trong phiên giao dịch. Thị trường tiền ảo đang dần lấy lại vốn hóa ở trước thời kỳ bùng nổ. Như Cardano - tiền điện tử có giá cao thứ 3 chỉ sau Bitcoin và Ether - đã tăng đến 47% chỉ trong 1 tuần qua. Còn Binance Coin tăng 14%, XRP tăng 61% và Dogecoin tăng 18%… Những dấu hiệu này cho thấy một thời kỳ tăng giá (uptrend) đã trở lại.

Điều đáng chú ý, các đồng tiền điện tử tăng giá ngay cả khi ngành công nghiệp tiền điện tử thất bại trong việc thay đổi quy định báo cáo thuế tiền điện tử trong dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Người sáng lập và giám đốc điều hành của sàn giao dịch trực tuyến eToro Yoni Assia cho biết, tâm lý "hưng phấn" trên thị trường tiền điện tử thể hiện qua những con số, như tổng khối lượng giao dịch hay tốc độ tăng trưởng của các công ty trong ngành.

Chuyên gia này viện dẫn một loạt sự kiện góp phần tạo nên hiệu ứng của tiền điện tử, ví dụ như lãi suất chạm đáy trên toàn thế giới và các nỗ lực kích thích tài chính khổng lồ, đã khiến nhiều người có thêm các khoản tiền dôi dư trong thời kỳ đại dịch. Một phần số tiền đó đã được sử dụng để đầu tư tiền điện tử và các tài sản liên quan, ví dụ như cổ phiếu của các công ty khai thác tiền kỹ thuật số.

Theo kết quả một cuộc khảo sát hơn 1.000 người trưởng thành ở Mỹ do công ty The Harris Poll thực hiện, khoảng 15% người tham gia khảo sát nhận được các khoản tiền hỗ trợ Covid-19 của chính phủ trong 2 gói kích thích đầu tiên đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ số tiền này. Và khoảng một nửa số tiền đầu tư này được "rót" vào tiền điện tử.

Được biết, lạm phát hàng thập kỷ đã làm mất giá đồng Peso của Argentina, với rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình được cải thiện. Đáp lại, nhiều người Argentina đã coi tiền điện tử là tài sản trú ẩn an toàn.

Ngân hàng đầu tư JPMorgan vừa phát hành thông tin cho nhà đầu tư với nội dung, thị trường tiền điện tử đã trở nên phình to trở lại, với các điều kiện giống như bong bóng hơn dự đoán. Đến ngày 6/9, tổng giá trị vốn hóa tất cả các loại tiền điện tử đạt khoảng 2.340 tỷ USD, tăng 85 tỷ USD so với ngày 3/9.

Chiêu trò lừa đảo không ngừng gia tăng

Tại Việt Nam, những giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo vẫn diễn ra âm thầm. Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex... Bên cạnh đó nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Zalo, Viber, Facebook…). Những hội nhóm có tới cả trăm nghìn thành viên với những cái tên như: "Chợ đen Bitcoin Remitano USDT", "Cộng đồng Trade Coin Việt Nam", "Trade Coin - Kiếm tiền số",...

 Nhiều người muốn đầu tư vào tiền kỹ thuật số khi thị trường biến động lớn, chuyên gia cho rằng cần cân nhắc về tính pháp lý và rủi ro.

Gần đây, báo cáo của Chainalysis, một đơn vị phân tích blockchain hàng đầu cho biết, trong khu vực châu Á, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo thống kê của coin.dance, trang web chuyên về đo lường giao dịch tiền ảo cho thấy, năm 2018, khi đồng Bitcoin tăng vọt về giá trị, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam có lúc đã lên hơn 4.600 tỷ đồng. Những tuần trong năm 2021, con số đo lường cũng cho thấy lượng giao dịch lên tới hơn 2.000 tỷ đồng mỗi tuần. 

Những con số nêu ra để nhìn nhận một hiện trạng, tiền ảo vẫn đang âm thầm len lỏi và trở thành “cơn sốt" không thể phủ nhận tại thị trường Việt Nam. Sự kiện đồng tiền ảo Bitcoin đạt đỉnh gần 53.000 USD càng khiến nhiều người nhẹ dạ "lao" vào đầu tư các loại tiền ảo mới.

Với đặc tính luôn biến động, thị trường tiền ảo vẫn đang thu hút rất lớn các nhà đầu tư tiềm năng tham gia. Do đó, đây được xem là môi trường tốt để kẻ xấu lợi dụng trục lợi cá nhân. 

“Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng “tiền ảo”. Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VND như trước đây.

Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay như: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; Mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới”, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết. 

Ngày 31/8, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tiếp nhận được đơn của các bị hại tố giác về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua việc đầu tư tham gia sàn giao dịch tiền ảo trên sàn Busstrade. Hiện nay trang Web: http://www.busstrade.com bị đánh sập, không truy cập được nữa, toàn bộ người đầu tư đều mất tiền.

Theo các chuyên gia và giới luật sư, hiện Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền ảo và nó không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh bị cấm, không phải là phương tiện thanh toán hay công cụ chuyển nhượng và chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.

“Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo” - đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.

Tương tự các cơ quan khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng nhiều lần cảnh báo về các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán có tính chất lừa đảo của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Đa phần các nhà đầu tư hiện nay thường đi theo phong trào, cả tin và có đôi chút tham lam, thấy quảng cáo hấp dẫn, lãi suất cao, nhưng không kiểm chứng mà đã đổ tiền vào đầu tư (TS Cấn Văn Lực)

Dự thảo tờ trình về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy nhiều điểm phức tạp, biến tướng của loại hình này. Nghị định mới cần tập trung dẹp bỏ những mô hình đa cấp lừa đảo, trục lợi bất chính từ người dân. (Chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần