Tiến độ dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình “căng” vì thiếu cát

Vĩnh Quân - Bảo Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng khan hiếm cát khiến chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình lo lắng bị chậm tiến độ, nguy cơ đội giá.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình dài gần 30km, trong đó, đoạn qua TP Hải Phòng dài gần 21km, do liên danh 2 doanh nghiệp gồm Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) và Công ty CP Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ làm chủ đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Công nhân thi công cầu vượt sông Văn Úc bên bờ Tiên Lãng thuộc dự án đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình. Ảnh: Vĩnh Quân
Công nhân thi công cầu vượt sông Văn Úc bên bờ Tiên Lãng thuộc dự án đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình. Ảnh: Vĩnh Quân

Theo ông Trần Văn Pha - Giám đốc Ban điều hành Dự án đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đã cơ bản hoàn thành. Trên địa bàn TP Hải Phòng, tổng diện tích đất thu hồi là 102ha liên quan đến 1.523 hộ gia đình và tổ chức, đã bàn giao mặt bằng đạt gần 100%. Hiện nay, còn tồn tại 2 hộ ở huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng chưa bàn giao mặt bằng.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tổng diện tích đất thu hồi là gần 38ha liên quan đến 710 hộ gia đình và tổ chức. Tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 97%. Hiện nay còn tồn tại 17 hộ dân tại đường ĐH93, QL37 cũ chưa bàn giao mặt bằng với tổng diện tích hơn 1.500m2.

Dự án đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đang đối mặt với tình trạng thiếu cát, ảnh hưởng tới tiến độ. Ảnh: Bảo Thành
Dự án đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đang đối mặt với tình trạng thiếu cát, ảnh hưởng tới tiến độ. Ảnh: Bảo Thành

Ngày 8/6, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định số 1190 về việc điều chỉnh giá đất mới tại vị trí giao cắt giữa đường ĐH93 và QL37 cũ. Khi áp dụng giá mới, chi phí bồi thường GPMB trên địa bàn tỉnh Thái Bình khoảng gần 96 tỷ đồng, tăng khoảng 41 tỷ đồng so với chi phí bồi thường GPMB đã phê duyệt.

Dự kiến, ngày 31/7 tỉnh Thái Bình sẽ bàn giao đất của 6 hộ dân. Đến ngày 15/8 tới sẽ tiếp tục bàn giao đất của 4 hộ dân và 7 hộ còn lại sẽ bàn giao đất trong nửa cuối tháng 8.

Về công tác thi công xây dựng công trình, tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, đang được triển khai đồng bộ với dự án đường ven biển mở rộng. Giá trị thực hiện ước đạt hơn 67 tỷ đồng, xấp xỉ 47% giá trị hợp đồng. Hiện, công tác xử lý đất yếu, đắp cát nền đường dài gần 3km qua địa bàn này đã xong, đang thi công lớp đá subbase, bê tông nhựa. Phần cầu Lạch Họng đang thi công cọc khoan nhồi, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/1/2023.

Tại huyện Kiến Thụy, thi công xử lý đất yếu, đắp cát nền đường dài gần 5km đã xong, thi công lớp đá subbase mới được gần 1km. Giá trị thực hiện ước đạt hơn 64 tỷ đồng, tương đương khoảng 49% giá trị hợp đồng.

Công tác thi công xây dựng công trình ở huyện Tiên Lãng hiện đã đào khuôn đường và đắp trả cát được gần 6km trong tổng số hơn 9km. Giá trị thực hiện ước đạt hơn 85 tỷ đồng, xấp xỉ 12% giá trị hợp đồng. Hiện, nhà thầu đang huy động thiết bị để thi công cầu Kênh Nam vào ngày 10/8 tới, dự kiến sẽ hoàn thành thi công vào ngày 15/11.

Phần đường dẫn cầu vượt sông Văn Úc bên bờ Tiên Lãng vốn là đầm nuôi thủy sản nên phải xử lý, gia cố nền, cần lượng cát rất lớn. Ảnh: Vĩnh Quân
Phần đường dẫn cầu vượt sông Văn Úc bên bờ Tiên Lãng vốn là đầm nuôi thủy sản nên phải xử lý, gia cố nền, cần lượng cát rất lớn. Ảnh: Vĩnh Quân

Về công tác thi công cầu Thái Bình, giá trị thực hiện ước đạt hơn 83 tỷ đồng, xấp xỉ 23% giá trị hợp đồng. Công tác phụ trợ của cầu bên bờ Thái Bình hoàn thành, còn bờ Hải Phòng dự kiến hoàn thành vào ngày 15/8.

Dự án đi qua huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hiện đã xong phần xử lý đất yếu, đắp cát nền đường dài gần 9km, thi công lớp đá subbase được gần 5km và hoàn thành lao lắp dầm, bản mặt cầu Chùa Xú. Giá trị thực hiện ước đạt hơn 211 tỷ đồng, tương đương 58% giá trị hợp đồng.

Qua tìm hiểu được biết, một trong những khó khăn, vướng mắc mà dự án đang gặp phải hiện nay là tình trạng thiếu cát nghiêm trọng. Ông Trần Văn Pha cho biết, các nhà thầu thi công dự án BOT và dự án mở rộng đang đắp nền, gia tải với khối lượng cát còn lại khoảng gần 1,4 triệu m3 rời. Trong đó, dự án BOT còn thiếu 840.000m3, dự án mở rộng còn thiếu 550.000m3.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5 đến nay, các nhà thầu không thể mua được cát để thi công nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác triển khai thi công trên công trường, các mốc tiến độ và thời điểm hoàn thành hai dự án.

“Nguyên nhân thiếu cát do cơ quan chức năng TP Hải Phòng đang kiểm tra, rà soát lại trữ lượng cát trên địa bàn nên. Chúng tôi rất lo lắng về vấn đề này vì nếu bị chậm tiến độ sẽ khiến dự án có nguy cơ đội vốn lớn. Vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị lên các cơ quan chức năng TP Hải Phòng để có biện pháp tháo gỡ” - ông Trần Văn Pha cho biết.

Đến nay, ước giá trị thực hiện dự án đạt 1.257/3.038 tỷ đồng, tương đương 41% giá trị hợp đồng BOT. Trong đó, giá trị xây lắp đạt 1.079/2.465 tỷ đồng, tương đương 44% chi phí xây dựng. Giá trị vốn chủ sở hữu đã huy động là 900 tỷ đồng (CC1 là 675 tỷ đồng, Bùi Vũ là 225 tỷ đồng), đạt 100% giá trị vốn chủ sở hữu cam kết huy động tại hợp đồng BOT.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhà thầu và công nhân đang cố gắng làm việc để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 1/2023 tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần