Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền dư dả, ngân hàng sốt ruột giảm lãi suất, mở rộng cho vay

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong tuần qua, một số ngân hàng đã hạ tiếp lãi suất thêm 0,2-0,3%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Không chỉ lãi suất huy động, các ngân hàng cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động

Phần lớn các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 7,5%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn chủ yếu dao động trong khoảng 7- 7,3%/năm, như VPBank (7,1%), SHB (7,2%), MB (7,1%), Techcombank (7,1%). Đáng chú ý, một số ngân hàng tư nhân cũng đưa lãi suất tiền gửi cao nhất xuống dưới 7%/năm như SCB (6,95%), ACB (6,9%), TPBank (6,7%).

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) hiện có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 6,3%/năm. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang xu hướng giảm dần trước bối cảnh thị trường có khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa thực sự hồi phục, nhiều người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm, giúp huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng lên mức kỷ lục.

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhanh. Ảnh minh họa
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm nhanh. Ảnh minh họa

Theo quy định của NHNN, trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng hiện chỉ còn 4,75%/năm. Nhiều ngân hàng điều chỉnh mạnh tay lãi suất, thậm chí có ngân hàng giảm thấp nhất còn 3,4%/năm. Nhóm Big 4 điều chỉnh mạnh tay nhất lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng với khách hàng cá nhân.

Hiện các lãi suất chủ chốt gồm lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng đều giảm mạnh về mặt bằng cuối quý II/2022. Nếu VND không mất giá trên 3% so với đầu năm nay, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) tin rằng, NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất.

Sẽ có thêm đợt giảm lãi suất cho vay

Đối với thị trường tài chính, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm sẽ là tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa kêu gọi các hội viên tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất từ 1,5% - 2%/năm nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, VNBA đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và tập trung vốn đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các hộ sản xuất có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Qua đó nhằm đáp ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất kinh doanh kịp thời.

“Trên cơ sở cân đối nguồn lực tài chính xem xét giảm lãi suất tiền vay đối với khoản dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm.

Đồng thời xem xét giảm phí, lệ phí và các dịch vụ khác để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA nhấn mạnh.

Đề xuất của VNBA trên cơ sở mới đây NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở đề nghị của các ngân hàng thương mại căn cứ trên tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng ngân hàng.

Theo Chứng khoán Maybank, dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng mới (14% mà NHNN đưa ra vào ngay 10/7), khoảng 1.081.000 tỷ đồng (45 tỷ USD) tín dụng mới phải được giải ngân trong nửa cuối 2023, tương đương mức trung bình khoảng 180.000 tỷ đồng/tháng.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bên cạnh giảm lãi suất cho vay và điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng, NHNN còn yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục cho vay…, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, qua đó tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch VNBA, thành viên HĐQT Vietinbank cho biết, VietinBank vẫn tích cực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; triển khai cơ cấu nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

Ông Tần cho biết VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cũng như đồng thuận cùng các tổ chức hội viên, hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt nam về giảm lãi suất 1,5 – 2% vừa qua.

Đại diện Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến 31/4/2023, giảm 0,5% lãi suất cho khoảng 130.000 khách hàng và đợt 2, từ đầu tháng 5/2023, cũng giảm 0,5% lãi suất cho khoảng 110.000 khách hàng. Đây là việc giảm tự động trên hệ thống của Vietcombank và doanh nghiệp hay người dân không cần phải làm bất cứ đề nghị hay đề xuất nào, chỉ cần thỏa mãn điều kiện.

HDBank cho biết, ngân hàng tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất, chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, dự kiến đến cuối năm số tiền giảm lãi suất đạt khoảng 350 tỷ đồng.

 

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết với các khoản vay mới, lãi suất đầu vào hiện tại đã giảm mạnh và tăng trưởng tín dụng đang rất thấp nên ngân hàng phải hạ lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn.

Tương tự, từ nay đến hết 31/12/2023, ngân hàng MSB cũng giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng cá nhân đang vay vốn tại MSB. Chính sách này đưa ra nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở, đồng thời triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân.

Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI nhận định tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ vào việc lãi suất cho vay trở nên hấp dẫn hơn cũng như là các doanh nghiệp sẽ có đơn hàng trở lại để phục vụ nhu cầu cuối năm. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Đầu tư, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, lãi suất đã, đang và tiếp tục giảm. Việc giảm lãi suất là một quá trình, quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến năm 2024 và tính ảnh hưởng của nó với nền kinh tế sẽ mất vài tháng.

“Về phía các ngân hàng, bên cạnh giảm lãi suất, cần có những chính sách sát với thực tiễn và có góc nhìn sâu hơn để hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Cụ thể, cần điều chỉnh lãi suất theo từng nhóm DN lớn, vừa, nhỏ và tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn”- ông Tuấn nêu quan điểm.