Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền Giang: Ùn tắc trên Kênh II là do phương tiện quá tải, quá khổ

YÊN NỘI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/5, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tiền Giang đã có văn bản số 737/SGTVT-KC trả lời phản ánh của báo Kinh tế & Đô thị về việc “Thi công trụ chống va đập chân cầu gây cản trở giao thông”.

Theo nội dung văn bản của Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cầu Kênh II được xây dựng vào năm 1987, với quy mô cầu dầm thép 3 nhịp dài 30m, mặt cầu gỗ rộng 3,3m;  tải trọng khai thác hiện hữu (trước thời điểm xảy ra sự cố) là 1.5 tấn, cầu Kênh II thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước. Cầu Kênh II nằm trên tuyến kênh II (kênh cấp IV) thuộc  địa  phận  ấp  1,  xã  Tân  Lập  1, huyện  Tân  Phước.  Theo  Tiêu  chuẩn  Việt Nam 5664:2009 với cấp hạng kỹ thuật của tuyến kênh cấp IV được phép lưu thông phương tiện thủy với tải trọng đến 100 tấn và chiều rộng chỉ 5,9m.
Vị trí cầu được xây dựng tại gần ngã 3 Kênh II nên việc lưu thông các phương tiện thủy có tải trọng lớn gặp nhiều khó khăn, cản trở. Khu vực này có Khu công nghiệp Long Giang đang khai thác với nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy rất lớn, hàng ngày có nhiều phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu thông; trong quá trình khai thác, cầu bị các phương tiện thủy va chạm nhiều lần làm lệch dầm chủ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khai thác, như phương tiện bị kẹt gây ùn tắc giao thông có tải trọng lớn hơn 900 tấn.
 Sự cố ùn tắc phương tiện giao thông đường thủy trên Kênh II do thi công nâng cấp cầu vào ngày 31/33/2019.
Khoảng 15 giờ ngày 31/3/2019 đã xảy ra sự cố ùn tắc giao thông do phương tiện thủy là sà lan chở đầy cát mang biển số TG 17478 có tải trọng toàn phần 996,05 tấn, là phương tiện lớn nhất được phát hiện lưu thông trên tuyến đường thủy này đã va mạnh vào trụ chống va làm lệch trụ chống va cầu Kênh II. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam 5664:2009 thì sà lan mang biển số TG 17478 có tải trọng toàn phần 996,05 tấn lưu thông trên tuyến kênh II là phương tiện lưu thông quá khổ, quá tải trọng theo quy định.
Ngay khi phát hiện xảy ra sự cố sà lan đâm vào trụ chống va xô và bị mắc kẹt, chính quyền địa phương cùng với Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan đã khẩn trương tìm giải pháp khắc phục, đồng thời báo cáo vụ việc đến cơ quan quản lý có thẩm quyền. Do lực va chạm giữa sà lan TG 17478 và trụ chống va rất mạnh nên sà lan bị kẹt cứng vào trụ chống va xô của cầu, không thể kéo sà lan ra ngay được nên đến khoảng 17 giờ ngày 1/4/2019 sà lan mới được kéo ra khỏi hiện trường. Vụ va chạm gây ùn tắc giao thông đường thủy trên tuyến Kênh II được giải quyết.
Theo hồ sơ thiết kế công trình Duy tu sửa chữa cầu kênh II tuyến Tây kênh Năng do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Khôi Nguyên lập có hạng mục trụ chống va xô hai bên cầu và bố trí 4 biển biến (2 biển báo C2.1 và 2 biển báo C2.3). Tuy nhiên, trong quá trình thi công sửa chữa cầu kênh II, đơn vị thi công chưa kịp lắp đặt hệ thống biển báo hiệu và Chủ đầu tư chậm thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thi công sửa chữa cầu Kênh II.
Để tạo điều kiện cho các phương tiện thủy có tải trọng lớn được lưu thông an toàn góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy trên tuyến Kênh II, Ban An  toàn  giao  thông  tỉnh, Sở Giao GTVT và UBND huyện Tân Phước đã thống nhất phương án xử lý là nâng tĩnh không ngang của cầu kênh II thành 12m và các đơn vị chức năng đã cắt bỏ hoàn toàn trụ chống va xô được đóng với khoảng thông ngang là 9m theo hồ sơ thiết kế công trình Duy tu sửa chữa cầu kênh II tuyến Tây kênh Năng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trước đó, vào ngày 3/4/2019, báo Kinh tế và Đô thị đã phản ánh thông tin “Hàng chục sà lan có trọng tải lớn nằm xếp hàng dưới dòng Kênh II, thuộc địa bàn xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) vì đơn vị thi công cầu Kênh Hai đã đóng 4 cây trụ chống va phía ngoài các chân cầu làm thu hẹp mặt ngang thông thuyền”.

Theo đó, qua tìm hiểu của phóng viên sau khi sự cố ùn tắc trên Kênh II thì trước đó, trong quá trình nâng cấp sửa chữa cầu Kênh II. Đơn vị thi công đã đóng 4 cây trụ chống va phía ngoài các chân cầu làm thu hẹp mặt ngang thông thuyền so với trước đây từ 11m giảm còn hơn 9m. Hơn nữa, khi đặt trụ chống va, đơn vị thi công không lắp biển báo, đèn tín hiệu và không thông báo nên tài công của các phương tiện thủy không biết, dẫn đến vấn đề mắc kẹt ngang cầu.