Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền lương tối thiểu là sàn bảo vệ người lao động yếu thế

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đích phấn đấu của chúng ta phải là tiền lương trung bình, để người lao động có thu nhập cao.

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ LĐTB&XH Tống Thị Minh chia sẻ với báo chí như vậy bên lề phiên họp chốt tăng lương tối thiểu (LTT) năm 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm nay (7/8).

Theo Cục trưởng Tống Thị Minh, tiền LTT là mức sàn để DN không bóc lột người lao động (NLĐ) và đảm bảo cho họ đủ chi phí sinh hoạt, tái sản xuất sức lao động.
Nếu mức đề xuất tăng lương 2018 được Chính phủ thông qua, người lao động có cơ hội cải thiện đời sống. Ảnh: Internet.
Trên thế giới, phần lớn LTT chiếm 40 - 60% tiền lương trung bình, 40 - 60% đất còn lại do chủ sử dụng lao động và NLĐ thương lượng với nhau. “Việc tăng lương hàng năm căn cứ vào năng suất lao động, hiệu quả của DN và NLĐ, khan hiếm hay dư thừa lao động trên thị trường. Cho nên, đích phấn đấu của mình phải là tiền lương bình quân. Nếu lương trung bình cao hơn lương tối thiểu đồng nghĩa với thu nhập của NLĐ cao” - bà Tống Thị Minh cho biết.

Theo quan điểm của bà Minh, khi LTT tăng quá nhiều mà lương trung bình không tăng lên được hay nói cách khác, khi đa số DN trả LTT thì lúc đó không còn khả năng thương lượng. Và chẳng còn dư địa để NLĐ phấn đấu làm việc có năng suất, hiệu quả.

Đề xuất mức tăng LTT năm 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia là 6,5% chiếm khoảng 57 - 58% lương trung bình, cận mức thế giới. Mức tăng này là để bù phần trượt giá và cộng với thành quả năng suất của NLĐ và nâng dân mức sống của họ lên. Theo tính toán, mức tăng này sẽ đảm bảo được tới gần 96% nhu cầu sống tối thiểu. Tất nhiên, tăng lương thì DN gặp áp lực chi phí tăng, nhất là những đơn vị vừa và nhỏ.

Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, chi phí cho lao động chỉ chiếm 8 - 10%, hơn 90% còn lại là các khoản khác. Vì thế, khi DN tiết kiệm trong 90% chi phí kia thì số tiền dư ra sẽ bù đắp được vào tăng lương. Tuy nhiên, về phía tổ chức Công đoàn cũng phải động viên NLĐ có những đóng góp, sáng kiến tăng năng suất lao động để có thu nhập tăng.

“Với mức tăng 6,5%, trước mắt, lương của NLĐ vẫn thấp nhưng lại nâng được mức đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là bảo hiểm xã hội. Đây chính là tăng tích luỹ cho NLĐ sau này về hưu có mức lương cao hơn để Nhà nước không phải hỗ trợ chính sách an sinh xã hội.

Tăng LTT mang lại lợi ích cho NLĐ, DN và cả lợi ích lâu dài của quốc gia. Mức tăng 6,5% đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Tất nhiên, mỗi bên đều phải có những giải pháp để hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển” - bà Minh nhận định.

“Đề xuất tăng LTT căn cứ vào nhiều yếu tố. Theo Tổ chức ILO, điều chỉnh nâng LTT căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tình hình phát triển kinh tế xã hội gồm nhiều chỉ tiêu (năng suất lao động; tăng trưởng GDP, CPI, chi trả của DN); các mục tiêu về đào tạo việc làm và giảm thất nghiệp. Sang năm 2018 khi LTT đáp ứng trên 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ căn cứ vào những yếu tố trên để thương lượng, đề xuất” - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp cho hay.