[Tiếng dân] Anh chọn con số nào?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhạc sĩ An Thuyên có bài hát “Em chọn lối này” rất nổi tiếng, giờ đây chính Bộ Xây dựng đang rất muốn lắng nghe ý kiến của người dân việc tháo dỡ để đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm.

Bộ Xây dựng đang đẩy nhanh việc nghiên cứu và lấy ý kiến hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ. Lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa cho biết, sẽ ban hành nghị định sửa đổi này trong năm 2021, nên hơn bao giờ hết cơ quan soạn thảo muốn nghe ý kiến của chính những người trong cuộc.
Trước hết, mọi người sẽ giật mình khi biết cả nước có đến 2.500 khối nhà chung cư cũ với 3.000.000m2 được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống. Tất nhiên, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính là những địa chỉ có nhiều chung cư mất an toàn nhất.

Ông nhà báo chia sẻ: “Các bác biết không tại Hà Nội có 1.579 nhà chung cư, còn TP Hồ Chí Minh 474, tiếp đến Hải Phòng 205 nhà chung cư, tỉnh Quảng Ninh 60 nhà chung cư, tỉnh Phú Thọ 23 nhà chung cư, tỉnh Nghệ An 22 nhà chung cư, tỉnh Thanh Hóa 17 nhà chung cư, TP Cần Thơ 10 nhà chung cư...”.
“Điểm chung nhất là các chung cư đều đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cư dân, mất mỹ quan đô thị nhưng các quy định về tháo dỡ, chấp thuận chủ đầu tư đang làm khó nhà đầu tư và cả nhà nước, năng động như TP Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ qua chỉ tháo dỡ được khoảng 10 chung cư cũ”, ông tổ trưởng dân phố nhăn mặt.

“Chỉ có việc tìm nhà đầu tư tháo dỡ, triển khai xây dựng chung cư mới sao mà khó đến thế mấy bác?”, bà phụ nữ dân phố thắc mắc.

“Chuyện đời đâu đơn giản như bà nói, vấn đề đầu tiên không phải "tiền đâu" mà lại là vấn đề pháp lý. Trước đây việc cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ cho phép chủ đầu tư được phép giải phóng mặt bằng khi được sự đồng thuận của 2/3 cư dân (khoảng 70%) . Nhưng sau khi Nghị định 101/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì yêu cầu phải đạt sự đồng thuận của 100% cư dân mới được tháo dỡ, triển khai xây dựng nên vấn đề này rất khó khăn đối với doanh nghiệp, điều này khiến cho các nhà đầu tư chẳng mặn mà nữa. Đơn giản là chung cư có đến cả trăm hộ mà chỉ cần một bác lắc đầu là tắc tỵ”, ông tổ trưởng dân phố khẳng định.

“Thế rốt cuộc phải làm sao thì người dân chung cư cũ và doanh nghiệp mới tìm được điểm chung các bác?”, bà phụ nữ tổ dân phố đặt câu hỏi.

“Doanh nghiệp và người dân đều thấy sự vô lý của con số 100% và thống nhất chỉ cần “đa số tuyệt đối” ở mức cao là tiến hành dự án. Nhưng nếu như các doanh nghiệp thích con số trên 50% thì đa số người dân cho rằng quy định, phải có tối thiểu 75% (bằng 3/4, cao hơn trước khi có Nghị định 101) chủ sở hữu thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới thì hợp lý hơn”, ông nhà báo tỏ vẻ am hiểu.

“Đúng rồi. Có vẻ như quay lại quy định cũ sẽ là một quyết định hợp lòng dân hơn, ngoài ra cần được giải quyết như quy hoạch, xây dựng, thuế, đất đai..., thì quy định về bố trí tái định cư cũng nên sửa đổi cho phù hợp. Chẳng hạn, trường hợp xây dựng lại nhà chung cư tại địa điểm cũ thì được ưu tiên bố trí tái định cư ở cùng vị trí. Trường hợp không xây dựng lại nhà chung cư ở chính địa điểm cũ thì cần bố trí tái định cư trên địa bàn quận, huyện đó. Trường hợp bất khả kháng được bố trí tái định cư tại quận, huyện liền kề chứ không nên đẩy người dân ra quá xa”, ông tổ trưởng dân phố nhận định.

Nếu đang sinh sống ở các tòa chung cư cũ, đọc bài viết này, bạn sẽ chọn con số nào?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần