Ông giáo chăm chú khi Thủ tướng Chính phủ nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như công nhân mất việc làm, người lao động có tiền lương thấp, Việt Nam đạt tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm.
Là giảng viên kinh tế của trường đại học lớn của Hà Nội, giáo Thứ bắt mạch nguyên nhân chính là các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước, đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Đầu tư sẽ giải quyết được rất nhiều việc làm, đầu tư thì giải quyết thu nhập cho người lao động, đầu tư góp phần cho tăng trưởng. Ông vẫn dạy các sinh viên kinh tế, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%, đầu tư công là một trong các vị cứu tinh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn lúc này.
Điều mà giáo Thứ ngạc nhiên là dự toán chi đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng nhưng suốt hơn 4 năm qua cũng mới chỉ giải ngân được chừng 70%. Tính ra chỉ còn 5 tháng nữa mà vẫn có đến 30% chưa được giải ngân. Nên hội nghị lần này, Thủ tướng phải cương quyết: “Anh đi tìm nguồn lực nơi này nơi khác nhưng mà để lại đống tiền ngay địa bàn của anh. Anh không chịu giải quyết, tại sao? Anh lại đổ khách quan này, khách quan khác, phải do trách nhiệm chúng ta không? Tôi mời bí thư, chủ tịch, bộ trưởng có mặt tại hội nghị này để có trách nhiệm với xã hội, đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh. Ông nói tiếp: "Anh không làm thì phải có biện pháp cho anh chứ. Nói hoài nói mãi không chịu làm. Lần này phải đưa ra chế tài".
Sau dịch Covid, nền kinh tế Việt Nam chúng ta đang vào giấc ngủ sâu, nguồn lực của dân đang dần cạn kiệt, Nhà nước có tiền mà không tiêu được, không tiêu đúng và không tiêu hiệu quả thì… cứ để Thủ Tướng nói hoài à?
Thế mà lâu nay người ta cứ ví von đầu tư công luôn được xem là chùm khế ngọt, “bên B trèo hái mỗi ngày”. Nhiều năm, chi đầu tư công thường vượt rất cao so với dự toán, chả nói năm 2016 Quốc hội dự toán chi 254.950 tỷ đồng, nhưng khi quyết toán con số này vọt lên tới 296.451 tỷ đồng, vượt chi hơn 40.000 tỷ đồng chứ ít đâu.
Đến giờ giáo Thứ mới nhớ ra, chẳng đâu xa trong lĩnh vực đầu tư giao thông, trong khi tư nhân chỉ cần 2 năm đã xây xong sân bay Vân Đồn thì đầu tư công vẫn đang loay hoay để hoàn tất khâu “thủ tục với quy trình”.
Đã có Luật Ngân sách nhà nước, phân cấp cho địa phương nhưng vẫn những con người đó mà trước tiêu tiền ào ạt không tiếc tay, nhưng nay lại chỉ tiêu nhỏ giọt, thậm chí không dám tiêu?
Ai sẽ đứng ra giải quyết 3 cái đọng? Đầu tiên là “đọng vốn”, tiếp đến “đọng nợ”- công trình đã xong từ lâu mà không thể quyết toán được và cuối cùng là “đọng thủ tục”, điều mà các ban quản lý dự án và nhà thầu nghe nhắc đến thì vò đầu, bứt tai.
"Không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế" - Thủ tướng chỉ rõ. Hóa ra giải ngân chuyện tưởng dễ mà lại khó, có người còn cho rằng nó “vi diệu” dù nó được xác định là 1 trong 3 nút thắt để phát triển kinh tế.