[Tiếng dân] “Đấu loa”!

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái loa công cộng một thời từng là đề tài để thiên hạ bàn ra, tán vào khen chê lẫn lộn. Nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, những cái loa công cộng vẫn tồn tại và phát huy vai trò của mình ngày 2 buổi sáng chiều…

Tuy nhiên ở thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, những chiếc loa công cộng (có chăng) chỉ thuần túy thông tin đến người dân lịch tiêm chủng, nông lịch, đám tang - đám hiếu (ở khu vực nông thôn) mà thôi; vì những gì thuộc về thời sự, “anh” loa công cộng không đủ sức để cạnh tranh với các loại hình truyền thông khác!
Ấy thế nhưng, cuộc đời “chẳng biết đường nào mà lần”, từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, người ta lại thấy chiếc loa công cộng bỗng có vai trò quan trọng. Ngày 3 buổi, sáng, trưa, chiều tối, những chiếc loa đã phát huy vai trò thông tin định hướng vô cùng quan trọng. Nó thông báo những diễn biến của dịch bệnh, các biện pháp phòng chống của cơ quan chức năng, khuyến cáo đến người dân những việc nên và không nên, được và không được làm trong từng thời điểm. Những thông điệp nói trên, cơ quan truyền thông nào cũng đăng tải, nhưng người xem, kẻ đọc lại ít khi quan tâm; nhưng khi “anh loa công cộng” cứ “vả” vào tai ngày vài ba buổi lại đâm ra có tác dụng. Đúng như các cụ xưa từng răn “Mưa phùn, gió nhẹ; nói phải củ cải cũng phải nghe"! Cùng với việc tuyên tuyền phòng chống dịch, trong những ngày tháng 5 này, chiếc loa công cộng còn góp phần tích cực trong tuyên truyền bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Nói một cách không ngoa, nó đã thể hiện được vai trò của mình là… cái loa.

Tuy nhiên, hiện có một thực tế đang diễn ra ở nhiều xã, thị trấn ở khu vực ngoại thành đó là tình trạng “loa đấu loa”. Do vị trí địa lý xã cách xã nhiều khi chỉ một cái bờ dậu (nhiều nơi huyện nọ cách huyện kia) cũng chỉ một cánh đồng, ấy vậy mà cùng một lúc 2 - 3 cái loa cùng “đồng tấu”, làm người nghe không phân biệt rõ nội dung thông điệp. Loa xã A phát tiểu sử ứng viên, thì loa xã B “hàng xóm” cũng làm điều tương tự. Những lúc như vậy, người dân chỉ nghe được những âm thanh hỗn tạp, đá nhau bôm bốp…

Để những thông điệp quan trọng được truyền đến người dân, tránh việc “đấu loa vô thức, chèn sóng vô duyên”, thiết nghĩ những người phụ trách công tác truyền thanh (ở những địa phương kề hồi giáp mái), nên người trước - kẻ sau, phân giờ phát sóng. Theo chúng tôi, điều này không hề khó thực hiện, chỉ cần chính quyền các địa phương… bảo nhau một câu, ắt sẽ là xong. Trong lúc dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp, ngay cả việc cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, ngành chức năng thành phố cũng lên phương án phù hợp, tránh tập trung đông người. Thiết nghĩ, việc các xã giáp ranh “nhường nhau” giờ phát thanh không hề là khó. Đừng để tình trạng “đấu loa” tiếp diễn.